Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Giao ban Ban Chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở, cải tạo vườn tạo

18:49, 17/09/2021

Chiều ngày 17/9, Ban Chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở và Ban chỉ đạo cải tạo vườn tạp, tổ chức hội nghị giao ban. Nhằm đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo. Dự hội nghị có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Hà Giang; đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo. 

Giao ban BCĐ hỗ trợ xây dựng nhà ở, cải tạo vườn tạp

Toàn cảnh hội nghị giao ban

Theo Báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 10/9/2021, tổng kinh phí các đơn vị, cá nhân hỗ trợ cho Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 1953 của tỉnh là trên 303 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ từ Ban chỉ đạo tỉnh là hơn 247 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 5.089 hộ gia đình triển khai xây dựng nhà ở, gồm: 243 hộ gia đình chính sách người có công, 556 hộ cựu chiến binh nghèo, 1.828 hộ nghèo xã biên giới và 2.462 hộ nghèo xã nội địa; đến ngày 15/9, toàn tỉnh có 4.957 hộ hoàn thành xây dựng nhà ở. Về kết quả thực hiện cải tạo vườn tạp, tính đến ngày 10/9, toàn tỉnh có tổng số 1.898 hộ thực hiện với tổng số diện tích vườn tạp được cải tạo là hơn 744.000m2; trong đó có 545 hộ nghèo, 592 hộ cận nghèo, hộ từ trung bình trở lên là 761 hộ. Giải ngân vốn vay, đã có 1.064 hộ, số hộ đủ điều kiện vay vốn là 1.050 hộ; số hộ đã được giải ngân vốn vay là 900 hộ với tổng số tiền trên 26,4 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu kết luận cuộc họp

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu kết luận hội nghị

Trao đổi tại hội nghị, nhấn mạnh đến ý nghĩa nhân văn to lớn của 2 Chương trình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện đều khẳng định quyết tâm thực hiện có hiệu quả để từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân. Đồng thời thảo luận làm rõ một số nội dung còn khó khăn như: Số lượng đối tượng cần hỗ trợ xây dựng nhà ở còn nhiều, tuy nhiên số kinh phí vận động được ở các địa phương hạn chế; một số hộ dân không có khả năng huy động thêm nguồn lực nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; một số doanh nghiệp, đơn vị chưa ủng hộ và chuyển kinh phí theo cam kết, chỉ tiêu giao, gây khó khăn trong quá trình triển khai; tại một số nơi, công tác kiểm tra, giám sát thiếu tính thường xuyên và liên tục. Việc thực hiện cải tạo vườn tạp tại nhiều hộ gia đình còn manh mún, lựa chọn cây, con chưa phù hợp, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước trong nhân dân còn lớn đã tác động không nhỏ đến tính hiệu quả của chương trình.

Phát biểu kết luận hội nghị, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động triển khai, thực hiện 2 Chương trình của các thành viên ban chỉ đạo tỉnh và địa phương, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nhà ở cho các hộ đã được xét duyệt; vận động các hộ dân tích cực tham gia, không trông chờ, ỷ lại vào các đơn vị hỗ trợ. Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ chương trình; huy động các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang, công chức xã, thị trấn hỗ trợ nhân lực cho các hộ không có sức lao động, góp phần tạo phong trào sâu rộng hỗ trợ người dân sớm hoàn thành xây dựng nhà ở. 

Đối với thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Quốc Khánh chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo phong trào lan toả sâu rộng trong cộng đồng dân cư thực hiện Đề án có hiệu quả thực chất, không chạy theo thành tích, khuyến khích tất cả các hộ dân làm giàu ngay chính mảnh vườn của gia đình; Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố tập trung thẩm định giải ngân vốn vay cho các hộ đủ điều kiện đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát sử dụng kinh phí vốn vay, đánh giá hiệu quả kinh tế, môi trường của các hộ thực hiện cải tạo; triển khai nhiều giải pháp xã hội hoá và cơ chế hỗ trợ thêm cây, con giống cho hộ nghèo, cận nghèo đi đôi với hướng dẫn kỹ thuật, phát triển kinh tế vườn hộ.

Văn Hương- Hải Tú


Ý kiến bạn đọc