Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Khát vọng Hồ Chí Minh và trách nhiệm của hệ thống chính trị cùng toàn xã hội trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay.

15:26, 03/09/2021

 Khởi đầu năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam sau 75 năm đất nước ta giành được độc lập, 35 năm đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong các mục tiêu tổng quát Đại hội đề ra, có một mục tiêu đặc biệt quan trọng, đó là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” .

 Ảnh tư liệu.

Mục tiêu này thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời, đó là sự phát huy, tiếp nối khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của các nhà nghiên cứu rằng, khát vọng Hồ Chí Minh là: “Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu[2]. Việc thực hiện thắng lợi mục tiêu trên đây do Đại hội Đảng đề ra cũng chính là hiện thực hóa khát vọng của Người và đưa đất nước ta phát triển lên một tầm cao mới. Mục tiêu đó cũng đặt ra cho hệ thống chính trị và toàn xã hội những trách nhiệm lớn lao trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay.

 1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có “một ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[3]. Ham muốn đó của Người chính là khát vọng, đồng thời là động lực mạnh mẽ thúc đẩy người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuất dương tìm đường cứu nước ở tuổi 21; giúp cho Người vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hiểm nguy trong hơn 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển. Dù phải làm việc cực nhọc trên các con tàu viễn dương hay tại các thành phố ở châu Âu, phải đối mặt với mạng lưới mật vụ của chính quyền thực dân, đế quốc, phải chịu cảnh giam cầm tại nhà tù của thực dân Anh (tại Hồng Kông, từ năm 1931 - 1933), tại nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch (tại Quảng Tây, từ năm 1942 - 1943), nhưng nhờ có động lực đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn giữ vững ý chí và mục tiêu phấn đấu cho độc lập, tự do của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.

 Trong quá trình hiểu các học thuyết và thực tiễn các cuộc cách mạng trên thế giới, Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa nhiều giá trị lý luận và bài học kinh nghiệm quý giá để vận dụng vào cách mạng nước ta. Ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin và các cuộc cách mạng vô sản, Người còn tìm hiểu và học hỏi từ những học thuyết và các cuộc cách mạng khác để viết cuốn sách Đường kách mệnh (xuất bản lần đầu năm 1927) và nhiều sách báo, tài liệu khác. Trong đó, Người tiếp thu chủ nghĩa tam dân của cuộc Cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc, năm 1911), đó là: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, để từ đó, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã chọn tiêu ngữ cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà chúng ta tiếp tục sử dụng đến ngày nay. Khi soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân, đồng bào ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh cũng trích dẫn bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, trong đó có “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Theo Người, giành độc lập là tiền đề quan trọng để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[4]. Để thực hiện được tự do, hạnh phúc cho nhân dân, tất yếu phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, như Người đã chỉ rõ: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[5]. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, đất nước ta cần phấn đấu để đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới. Vì thế, từ ngày mới giành được độc lập, Người đã nhắc tới ngày đất nước ta “sánh vai các cường quốc năm châu”. Trong những năm tháng trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù phải tập trung lãnh đạo nhân dân ta đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhưng Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Người dành nhiều thời gian đi thăm các nhà máy, công trường, nông trường, hợp tác xã nông nghiệp để kiểm tra tình hình sản xuất và động viên cán bộ, công nhân viên, nông dân. Năm 1966, khi cuộc Kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, trong đó, Người chỉ rõ: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong bản Di chúc ngày 10/6/1969, Người viết: “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”[6]. Cuối bản Di chúc, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[7]. Như vậy, có thể nói, trọn cuộc đời hoạt động của mình, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu luôn mãnh liệt và trở thành định hướng quan trọng cho cách mạng Việt Nam.

 Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là trách nhiệm của hệ thống chính trị cùng toàn xã hội. (Nguồn: nhandan.vn)

2. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền động lực mạnh mẽ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Trong mọi thời kỳ cách mạng, bên cạnh nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ngay sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954), cả miền Bắc tập trung vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời cùng với miền Nam tiếp tục đấu tranh chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Các thế hệ thanh niên hăng hái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; ở hậu phương, đồng bào thi đua sản xuất, toàn miền Bắc ra sức phấn đấu với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Từ một nền kinh tế lạc hậu, được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, miền Bắc đã từng bước xây dựng nền công nghiệp, chuẩn bị cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cuộc sống no ấm của nhân dân và chi viện cho chiến trường miền Nam. Những công trình xây dựng, nhà máy, khu mỏ lần lượt ra đời tại nhiều nơi trên miền Bắc, như: thủy điện Thác Bà, khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy điện Việt Trì, khu mỏ than Hồng Gai, Cẩm Phả, cảng Hải Phòng, công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải, Nông trường Đồng Giao... Đây là những thành tựu to lớn, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và góp phần vào những chiến công vang dội của đồng bào, chiến sĩ trên chiến trường miền Nam.

 Ngay sau ngày thống nhất, đất nước ta phải tập trung lực lượng cho các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, đồng thời do cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt, bao vây cấm vận, nên nền kinh tế nước ta gặp khó khăn gay gắt. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã kịp thời đề ra đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, huy động tiềm năng to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

 Khi sự nghiệp đổi mới đất nước mới thực hiện được những bước đầu tiên thì cuối thập kỷ 80, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt sụp đổ, năm 1991, Liên Xô tan rã. Chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch hí hửng. Ở trong nước, nhiều cán bộ, đảng viên lo lắng cho sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, những thành quả bước đầu của công cuộc đổi mới đã giúp cho đất nước ta vượt qua được khủng hoảng, tiếp tục vững bước phát triển. Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Nền kinh tế kế hoạch hóa được chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; các thành phần kinh tế nhà nước, tập thể, tư nhân và đầu tư nước ngoài phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước liên tục tăng cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới và khu vực. Khoa học, kỹ thuật và công nghệ trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cuối năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên xếp thứ tư trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển của nền kinh tế đã tạo ra tiềm lực vật chất vững chắc để giữ vững quốc phòng, an ninh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển. Giảm nghèo nhanh và bền vững hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong cả nước được nâng cao về mọi mặt. Với mục tiêu, “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam đang vững bước trên con đường phát triển toàn diện. Đánh giá về những thành tựu đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[8]. Những thành tựu to lớn của 35 năm đổi mới đất nước có ý nghĩa lịch sử và là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Những thành tựu này là thành công trong việc thực hiện khát vọng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đất nước ta vẫn còn không ít hạn chế. Kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm gần đây và việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra. Công cuộc đổi mới tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 3. Hiện nay, tình hình thế giới đang biến động nhanh chóng và phức tạp. Kinh tế thế giới sau một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, nay đang lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng. Sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID -19  khiến cho sự khủng hoảng này có thể tiếp tục kéo dài. Các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn đang điều chỉnh lại chiến lược phát triển; cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, các cuộc tranh giành thị trường, nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng quyết liệt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mỗi quốc gia. Ở trong nước, sự tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và đại dịch COVID -19 gây ra khó khăn về mọi mặt: tốc độ phát triển kinh tế bị giảm sút, một số ngành kinh tế quan trọng bị tê liệt hoặc hoạt động cầm chừng, số lượng doanh nghiệp bị phá sản hoặc thua lỗ nặng, nợ nần lớn tăng cao; đời sống nhân dân ở các vùng dịch, nhất là người lao động có thu nhập thấp vô cùng khó khăn.

 Đứng trước tình hình đó, một nhiệm vụ cấp bách đề ra trong năm nay và năm tới là phải ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19, đồng thời thực hiện mục tiêu duy trì và phát triển kinh tế - xã hội. Trong dài hạn, toàn xã hội phải tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra, trong đó, mục tiêu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu này chính là huy động được nguồn lực con người to lớn của 97 triệu đồng bào trong nước với hàng triệu kiều bào ta ở nước ngoài cùng chung tay xây dựng đất nước; tiếp nối khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước. Về mục tiêu này, một vấn đề được đặt ra là, Việt Nam là một quốc gia đông dân số (đứng thứ 15 trên thế giới), mật độ dân số cao; người Việt Nam thông minh, cần cù; đất nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên và có vị trí địa lý thuận lợi; nhưng năng suất lao động của người Việt Nam luôn bị đánh giá thấp so với thế giới và khu vực; nền kinh tế của nước ta trong 35 năm qua phát triển nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới vốn rất nghèo tài nguyên, mật độ dân số cao, đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn (như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel…), nhưng nhờ phát huy nguồn lực con người, họ đã phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Chính vì thế, việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong cả hệ thống chính trị, toàn thể dân tộc là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy nguồn lực con người, là tiềm năng, thế mạnh của đất nước ta hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này, theo quan điểm của chúng tôi, trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

 Một là, trước mắt, cả hệ thống chính trị và toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đẩy lùi đại dịch COVID -19, hoàn thành mục tiêu kép: bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi đơn vị, cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trước cộng đồng, tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về công tác phòng, chống đại dịch; chia sẻ khó khăn của các cơ quan chức năng và nhân dân; đồng thời, duy trì thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, mỗi công dân cần phát huy lòng dũng cảm, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ và vật chất cho sự nghiệp chung; khắc phục khó khăn, gian khổ; thần tốc tiến hành các biện pháp, nhiệm vụ, quyết tâm giành thắng lợi.

 Hai là, các cấp ủy, chính quyền coi trọng việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đặc biệt là việc phát huy yếu tố con người. Trước hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức cán bộ. Tiếp tục coi trọng việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

 Ba là, phát huy các nguồn lực to lớn trong nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát huy cao nhất tiềm năng của mình; thu hút các nguồn lực vật chất và tinh thần từ bên ngoài; khuyến khích, tôn vinh các đơn vị, cá nhân đổi mới, sáng tạo, tận tụy lao động, sản xuất tạo ra giá trị cho xã hội. Phấn đấu sẽ có những tập đoàn kinh tế lớn thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học với những thành tựu khoa học, công nghệ có giá trị cao trong nước và trên thế giới. Đổi mới và đa dạng hóa các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với điều kiện xã hội mới./.

Nguồn: Đảng cộng sản


Ý kiến bạn đọc