Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hồ Chí Minh với tiêu chí cán bộ

17:23, 12/10/2021

Học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới có nhiều nội dung, nhưng vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất là cán bộ. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” tiêu chí cán bộ của Hồ Chí Minh rõ ràng, đầy đủ, sâu sắc, mang tính triết lý, vẫn còn có giá trị lớn trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25-1-1961_Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25-1-1961_

Ảnh: Tư liệu

Cán bộ phải có đức và tài, nhưng đức là gốc, đức là trước hết: Đức tài là điều kiện cần và đủ cơ bản của người cán bộ. Tài ở ngay trong đức; đức chỉ trở thành hiện thực, thành sức mạnh đạo đức, được chứng tỏ bởi tài. Không “chuyên sâu” làm sao “hồng thắm” được. Đức không chỉ là chính trị, mà còn là khoa học và văn hóa. Tài không đồng nghĩa đồng nhất với bằng cấp, danh vị, danh hiệu mà phải bằng kết quả xác thực của việc làm. Điều mà Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, “đã nói thì phải làm”, “không nên nói suông”… cho thấy đó là sự hội tụ đức - tài trong nhân cách, trong hành động của người cách mạng. Không nên “chính trị hóa” đi đến hẹp hòi, đố kỵ với tài năng. Cách mạng là sáng tạo, người cán bộ cách mạng phải có tài năng để sáng tạo. Hồ Chí Minh đặt quan hệ đức - tài và tài - đức trong một thể thống nhất không tách rời. Càng coi đức là gốc thì cũng phải coi trọng tài. Bởi chỉ những người không bó hẹp, không luẩn quẩn trong suy tính cá nhân thì mới say mê với công việc, mới sáng tạo, mới thành tài được. Đạo đức chính là ở hành động trong cuộc sống. Người cách mạng phải là người hiểu biết, có năng lực hành động và có bản lĩnh. Rõ ràng tài ngay ở trong đức; người có tài, với ý nghĩa tích cực phải là người có đức. Tài năng thể hiện ở cái trí, cái tầm, gắn với cái tâm, thống nhất trong mối quan hệ tài - đức. Đức là gốc, nhưng tài là chất dinh dưỡng làm cho gốc đạo đức có sức sống, có mục đích. Đức để hành động, để vươn tới đòi hỏi tài phải sáng tạo. Đức - tài được thể hiện ở hiệu quả xã hội, ở thúc đẩy sự phát triển, phụng sự Nhân dân và Tổ quốc. Mục đích của tài để làm gì, để phục vụ ai, đó chính là đức. “Cây phải có gốc… Người cách mạng không có đạo đức dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Nên đức là gốc là trước hết.

Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân: Người cán bộ cách mạng từ dân mà ra, được Đảng tín nhiệm, được dân tin cậy giao phó thì phải lo phục vụ dân, phải tận tâm với dân; không vụ lợi, không tham ô, không quan liêu hách dịch, không “đứng trên dân”. Người cán bộ do dân giao việc, nên lo phụng sự cho dân, hết mình vì dân, làm đầy tớ cho dân là đương nhiên. Nhưng trong thực tế diễn ra khi có chức quyền rồi một bộ phận không ít quay mặt lại với dân, “ăn trên ngồi trốc”, coi dân không ra gì. Bác phát hiện điều này rất sớm và thấy diễn ra khá phổ biến trong thực tế, vì thế nên hầu như ở đâu và lúc nào Bác cũng căn dặn cán bộ là “công bộc của dân”, dân là chủ, cán bộ phải là “đầy tớ thật trung thành của dân”.

Đã là cán bộ thì phải gương mẫu. Gương mẫu trong hành động, trong việc làm, trong cuộc sống chứ không phải “lý thuyết suông”. Bác căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tất nhiên, cán bộ thì phải biết tuyên truyền, thuyết phục để dân hiểu chủ trương chính sách, nhưng thế chưa đủ, dân nhìn xem cán bộ nói có như làm không. Khi mới ra đời điều cao quý nhất mà Đảng có được đó chính là tấm gương hy sinh, chính là hành động của những người cộng sản của cán bộ, đảng viên, mà Bác Hồ là tiêu biểu. Trong quá trình cách mạng trước bao gian truân, thử thách, người cán bộ cách mạng đều vượt qua, nêu tấm gương sáng để tập hợp quần chúng. Ngày nay với công cuộc đổi mới càng rất cần sự nêu gương. Trong cơ chế thị trường trước bao cám dỗ, tiêu cực thì tấm gương tốt của người cán bộ nhất là người đứng đầu có sức thuyết phục và cảm hóa được dân, để dân tin vào Đảng vào chế độ. Cuộc đời của Bác Hồ là tấm gương đời thường và gần gũi cho toàn Đảng toàn dân ta soi, đi theo con đường cách mạng mà Người vạch ra. Các thế hệ cán bộ ngày nay làm theo Bác, học Bác thiết thực nhất là vượt lên chính mình ra sức tu dưỡng rèn luyện, hết lòng vì dân, vì nước nêu tấm gương sáng theo yêu cầu Đảng đã nêu ra.

Cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là nội dung cơ bản, cốt lõi, cô đọng, đầy đủ đối với mọi cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi, mọi lúc để cán bộ tự soi, tự sửa mình xem đã tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện được đến đâu, đã công tâm đã vô tư chưa. Hãy xem cán bộ ta đã đem hết tâm trí vì công việc, đã hết lòng hết sức vì dân chưa hay còn tắc trách. Hãy xem đã tiết kiệm thực sự chưa hay còn lãng phí tiền của, lãng phí thời gian, công sức, lãng phí chất xám… Hãy xem cán bộ ta đã thực sự liêm chính chưa hay còn phô trương thành tích, còn thiếu trung thực, thiếu minh bạch, còn dối trá trong thực thi công việc, trong ứng xử, còn “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng… làm điều bất liêm”. Bác dặn: “Phải liêm chính để làm kiểu mẫu cho dân”.

Những nội dung mà Hồ Chí Minh đặt ra với người cán bộ luôn bắt gặp trong đời thường. Mỗi cán bộ dễ nhớ, dễ làm, dễ phấn đấu. Điều tuyệt vời là Người nói về cán bộ không lý luận gì cao xa, ở đâu lúc nào vận dụng sáng tạo nghiêm túc thì ở đó lúc đó sẽ thành công. Trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam bài học lớn nhất mà Hồ Chí Minh để lại đó là bài học dùng người. Khi Đảng chưa giành được chính quyền Người đã chọn cử những thanh niên trí thức yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng để đào tạo bồi dưỡng thành những cán bộ nòng cốt của Đảng. Khi đã giành được chính quyền, dưới ngọn cờ độc lập, Hồ Chí Minh đã chủ trương và đã chọn những cán bộ có đức có tài trong mọi tầng lớp Nhân dân tham gia vào chính quyền; Người đã tập hợp được những nhân tài không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài từ bỏ mọi danh vọng về nước chung sức gánh vác công việc kháng chiến, kiến quốc. Khi tiến hành xây dựng CNXH Người nói: “Muốn có CNXH phải có con người XHCN”, “Phải nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người rất quan tâm đến giáo dục đào tạo, mở rộng nền giáo dục và phát triển khoa học kỹ thuật để đào tạo bồi dưỡng nhân tài; ngay trong chiến tranh vẫn chủ trương cử những thanh niên ưu tú ra nước ngoài học tập để về xây dựng đất nước. Có thể nói lớp lớp cán bộ, qua các thời kỳ cách mạng phấn đấu rèn luyện theo tiêu chí Hồ Chí Minh nêu ra đảm đương và làm tròn sứ mệnh của mình, đóng góp quyết định vào thành công của cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình phát triển của cách mạng, Đảng ta luôn nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh đốn Đảng, đặc biệt vận dụng sáng tạo triết lý cán bộ của Người vào việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ đủ tâm, đức, đủ tầm, đủ niềm tin “thực sự có năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” đảm đương tốt trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó.

TS. Đặng Duy Báu


Ý kiến bạn đọc