Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Thủ tướng chủ trì phiên họp trực tuyến với 63 địa phương về phòng, chống COVID-19

10:19, 09/04/2022

Sáng 9/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo trực tuyến tới các địa phương cả nước.  

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp này nhằm đánh giá lại tình hình chống dịch trong tháng 3, đề ra nhiệm vụ, biện pháp thực hiện thời gian tới. Tháng 3 vừa qua, có nhiều sự kiện mà cuối tháng 2 mà chúng ta chưa dự báo như xung đột Nga-Ukraine, tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, vấn đề lạm phát tác động Việt Nam. Ngoài công việc thường xuyên, chúng ta phải xử lý các công việc đột xuất, bất ngờ, nhất là tiến hành chống dịch Covid-19.

Tình hình dịch bệnh tháng 3 tương đối phức tạp, có lúc số ca nhiễm tăng nhanh, sau đó đã giảm, có nơi giảm sâu. Nếu không có chủng mới thì chúng ta có thể tạm yên tâm với những gì đã làm được với kinh nghiệm chống dịch 2 năm qua. Nhưng nếu có chủng mới trong khi vaccine chưa thích ứng, chống chịu được thì sẽ khó khăn, do đó hơn lúc nào hết không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Hiện nay đã có những tín hiệu tích cực, do kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại, mở cửa trở lại du lịch.

Không được để bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 -0

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chúng ta khẳng định Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành là phù hợp tình hình, nhờ đó vừa qua tình hình kinh tế-xã hội, liên quan các nhiệm vụ trọng tâm khác được thực hiện suôn sẻ, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, dự báo còn diễn biến khó lường, không thể yên tâm nếu không có sự chuẩn bị tốt. Do đó, chúng ta vừa phải củng cố những thành quả đã đạt được, thúc đẩy công việc thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, phù hợp tình hình; cùng với đó không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục thúc đẩy, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra để không quá bị động, bất ngờ.

Chúng ta cần thúc đẩy, phát huy những kinh nghiệm đã có, nhất là chiến lược vaccine đã thành công trong phòng, chống dịch; thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp phòng, chống dịch; chuyển từ chính sách "Zero covid" sang kiểm soát rủi ro. Cần tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, vaccine. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng.

Thủ tướng mong các đại biểu dành thời gian, tập trung trí tuệ, đóng góp về đánh giá những việc làm được, chưa làm được, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra giải pháp thực hiện tốt, quan trọng là không được bị động, bất ngờ, lúng túng.

hopcp3-1649470499957.jpeg

 Các đại biểu tham dự cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

* Theo Bộ Y tế, về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch Covid-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường. Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai phổ biến, hướng dẫn thực hiện đầy đủ tinh thần thích ứng an toàn linh hoạt, phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Bộ Công an chủ động cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu tiêm chủng, an sinh xã hội, phát huy hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch và tổ chức các hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến tại các cấp học phù hợp với các cấp độ dịch… Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các quyết định và các văn bản hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) khôi phục các hoạt động vận tải hành khách…

Tính đến ngày 6/4, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện có 2.502 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao (chiếm 23,6% số xã, phường cả nước); 211 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (2%) tại 20 tỉnh, thành phố.

Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP: Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết 38/NQ-CP và đánh giá sơ bộ cho thấy phù hợp với công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

hopcp2-1649470500254.jpeg

 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Đến ngày 6/4, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 230 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Với số vaccine này, Việt Nam có thể tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên đủ mũi 1, mũi 2 và mở rộng đối tượng để tiêm cho trẻ em và tiêm liều bổ sung và mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Cả nước đã triển khai tiêm được hơn 207 triệu liều. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 190 triệu liều, tỷ lệ bao phủ mũi 1,2 cho nhóm tuổi này lần lượt là 100%, 99,8%. Số liều tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi là hơn 17 triệu liều; tỷ lệ bao phủ mũi 1, 2 cho nhóm tuổi này lần lượt là 99,8% và 95,1%.

Đến hết quý I/2022 ước 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Đến hết 31/3/2022, đã có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm), số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do sau: số lượng người mắc Covid-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng. Một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vaccine sau khi mắc Covid-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Cầu triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, đề cập nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như virus có thể thích ứng với vaccine hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn.

Thủ tướng đồng thời yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị lớn…; tập trung kiểm soát rủi ro, các ca chuyển nặng và tử vong; tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023) theo Nghị quyết 38 của Chính phủ với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, giải pháp, chuẩn bị nguồn lực thực hiện chương trình.

Nhấn mạnh nhiệm vụ tiêm vaccine, Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm cho thấy vacicne vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine cho các đối tượng chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh việc cung ứng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè và bước vào năm học mới.

Tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao, vì vaccine suy giảm hiệu quả miễn dịch theo thời gian. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vaccine, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu đề ra.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tự chủ về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, kit xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc trong nước trên tinh thần bám sát các quy định của pháp luật, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng bảo đảm về chuyên môn, khoa học. "Không để bị động, bất ngờ về vaccine, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng phát biểu.

Các Ban Chỉ đạo các cấp không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt, phải chỉ đạo công việc cụ thể, rõ ràng, dễ nghe, hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện tới tận cấp cơ sở.

Không được để bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 -0

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. 

Về công tác thông tin, tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu phải huy động đa phương tiện, cung cấp thông tin trung thực, khách quan, kịp thời; ưu tiên, tăng cường thời lượng cho thông tin hướng dẫn, nhất là về diễn biến tình hình dịch bệnh, công tác điều trị, nhất là tự điều trị, điều trị tại nhà, sử dụng các biện pháp đông tây-y kết hợp… thông tin về tiêm vaccine cho trẻ em.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát các quy định, quy chế, quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí hiện hành để điều chỉnh kịp thời phù hợp tình hình, diễn biến mới, tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, thống nhất, tập trung; đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương và hợp tác quốc tế.

Về công việc cụ thể của từng bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 về kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới, biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn; phát huy thành quả, khắc phục các hạn chế để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê liên quan tới phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan.

Bộ Y tế cần nhanh chóng hướng dẫn việc tiêm vaccine mũi tiếp theo, ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn, quy định về chuyên môn y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế-xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; xem xét, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, rà soát, cắt giảm các quy định, tạo thuận lợi cho phát triển lĩnh vực y tế, nhất là về vaccine, thuốc, kit xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế; giao Bộ Tài chính bảo đảm bố trí ngân sách đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi nói chung và thuộc chương trình phòng, chống dịch nói riêng; phối hợp các cơ quan xử lý kịp thời các vướng mắc, công khai tình hình thanh quyết toán liên quan tới công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch. Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vụ việc vi phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật; thời gian tới, cần quan tâm việc hướng dẫn, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế và các địa phương để tăng tốc tiêm vacicne cho học sinh, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, hậu cần phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm mở cửa trường học an toàn, thông suốt, hiệu quả; thiết lập kênh tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ em, nhất là những em gặp sang chấn tâm lý.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hoá,vui chơi giải trí an toàn; phối hợp Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể về quản lý, chăm sóc, điều trị F0 là người đi du lịch (trong nước và quốc tế) để bảo đảm dịch vụ du lịch thân thiện, an toàn; phối hợp với các cơ quan rà soát các chính sách visa, du lịch để phục hồi và phát triển mạnh lĩnh vực này; chuẩn bị các điều kiện tổ chức SEA Games 31 an toàn, hiệu quả, thành công.

Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương tổ chức hiện Nghị quyết số 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm của người lao động, vừa phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững, vừa bảo đảm sức khỏe người dân, người lao động; tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét các chính sách hỗ trợ trong trường hợp cần thiết; theo dõi chặt chẽ để kịp thời có phương án hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động, đẩy nhanh phục hồi thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương tiếp tục mở các luồng xanh cho hàng hóa qua biên giới thuận lợi, thông thoáng, nhất là biên giới với Trung Quốc. Các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các địa phương của các nước láng giềng để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa. Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển, đặc biệt là không để thiếu điện tại những nơi khám chữa bệnh, công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng nhắc lại đợt bùng phát dịch thứ 4 bắt đầu vào tháng 4/2021. Tháng 4 năm nay, muốn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không để dịch bùng phát, hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì bị động, bất ngờ.

Cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi:

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp và làm việc chặt chẽ với các đơn vị cung ứng vaccine, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước để tiếp nhận viện trợ và mua vaccine để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Vaccine sẽ về đến Việt Nam trong ngày 8/4 và sẽ tiến hành tiêm chủng ngay sau khi có kết quả kiểm định. Với các nguồn vaccine viện trợ và mua, việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Nhân dân


Ý kiến bạn đọc