Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Sáng ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, đầu năm 2022, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ những định hướng, gợi mở, chỉ đạo quan trọng, sát sao, toàn diện, xuyên suốt cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 và thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: TTXVN
Sau 3 tháng, Hội nghị trực tuyến được tổ chức để đánh giá tình hình triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội… trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.
Điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Thủ tướng nêu rõ, so với thời điểm tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, tình hình hiện nay đã có nhiều diễn biến mới khác, phức tạp, khó lường. Tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Xung đột ở Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới, chi phí logistics và lạm phát ở nhiều nước tăng cao.
Ở trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế bộc lộ khi tình hình có những biến động. Vi phạm pháp luật liên quan tới bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề nổi lên.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã bám sát tình hình để có giải pháp linh hoạt, phù hợp. Quan điểm của Việt Nam về tình hình Ukraine được bạn bè, đối tác quốc tế chia sẻ. Việt Nam cũng là một trong những nước tích cực đưa người dân từ Ukraine có nhu cầu về nước và đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác này.
Cũng trong quý I, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92% với các giải pháp tích cực, chủ động, linh hoạt về thuế, phí, giá… Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu năng lượng, cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần tiếp tục giám sát, thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý, làm lành mạnh hóa thị trường.
Tại tỉnh Hà Giang, công tác xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 được các cấp, các ngành thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Thông qua chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 đã góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Các hoạt động phát triển kinh tế cơ bản ổn định; tăng trưởng quý I đạt cao, tăng 7,95% so với cùng kỳ. Đặc biệt, đối với cấp huyện, thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và giao tăng một số chỉ tiêu quan trọng, như: Chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn được giao tăng 144,5 tỷ đồng so với kế hoạch tỉnh giao; chỉ tiêu tăng tiêu chí NTM trong năm được giao tăng 13 tiêu chí; chỉ tiêu giảm số hộ nghèo được giao tăng 794 hộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các thành viên Chính phủ, địa phương cho rằng hiện bối cảnh trong nước còn không ít khó khăn, thách thức: Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt trái mùa; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, công nghệ cao.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chủ động có biện pháp tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thực hiện CCHC, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó, khẩn trương trong việc nhập khẩu, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Tăng cường thông tin, truyên truyền, tạo dư luận xã hội tích cực, đồng thuận trong nhân dân, đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tiêu cực, sai sự thật./.
Nguyễn Tâm - Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc