Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

17:46, 14/06/2022

Tiếp tục Kỳ họp thứ Ba, ngày 14/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động; thông qua 2 Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đoàn ĐBQH khóa 15 tỉnh Hà Giang tham dự Kỳ họp đã có ý kiến phát biểu đóng góp để hoàn thiện dự án Luật.

 

Với 454 ĐBQH tán thành (bằng 91,16% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động.

Với 94,18% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch covid 19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” với 93,37% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và cho rằng cần có cơ chế để nhân dân phát huy hơn nữa quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình khi tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Một số ĐBQH cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã làm chuyển biến ý thức đạo đức, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân.

Đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến thảo luận, góp ý của ĐBQH tại phiên họp tổ, các đại biểu lưu ý, Dự thảo luật cần làm rõ, dân chủ là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời đánh giá tính khả thi của việc thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp ngoài nhà nước, nếu có quy định thì phải xử lý mối quan hệ của luật này với Bộ Luật Lao động để đảm bảo việc thực hiện phù hợp với các nguyên tắc của quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường./.

Hoàng Gia (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc