Sáng ngày 2/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng của cơn bão số 1, nhằm đề ra các biện pháp phòng, tránh hiệu quả. Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Tại cuộc họp, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã thông báo nhanh về tình hình diễn biến của cơn bão số 1 đang hoạt động trên biển đông, trong đó nêu rõ, hiện nay cấp độ cơn bão đang giảm dần với hướng di chuyển về phía tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và tiếp tục suy yếu; nhận định về sự nguy hiểm, khó lường của cơn bão, các thành viên ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và lãnh đạo các tỉnh, thành phố thống nhất cho rằng: mặc dù cơn bão không đổ bộ trực tiếp vào đất liền Việt Nam, nhưng hoàn lưu cơn bão sẽ gây mưa to trên diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng là rất lớn, do đó cần chủ động ngay các biện pháp phòng, tránh hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh: Thiên tai luôn cực đoan và diễn biến khó lường, các ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ biện pháp ứng phó sát với diễn biến thực tế của cơn bão. Đồng chí yêu cầu: Đối với các tỉnh, thành phố tuyến biển cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Các tỉnh miền núi phía bắc rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt; có phương án bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố giao thông; đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Các bộ, ngành, địa phương với chức năng, nhiệm vụ được phân công cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân./.
Văn Hương
Ý kiến bạn đọc