Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại hội trường. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang làm trưởng đoàn tham dự Kỳ họp và đã có phát biểu, đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 24.10 |
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Dự thảo Luật đang dành 3 điều riêng về chi phí và giá khám bệnh, chữa bệnh, nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh và xã hội hóa. Bên cạnh đó, tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được ít nhất 8 luật khác quy định. Một số vướng mắc trong cơ chế tài chính về khám bệnh, chữa bệnh đang được đề xuất sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật chuyên ngành khác. Các quy định không có sự phân biệt giữa y tế công lập và tư nhân; trong mỗi điều luật, nếu có liên quan đến đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đều có quy định áp dụng cụ thể.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tại phiên họp |
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Các đại biểu thống nhất cho rằng, cần có quy định về mục tiêu tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân.
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) |
ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Vương Thị Hương đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực có trình độ đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 4 đề nghị bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhân lực thuộc các lĩnh vực truyền nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, hồi sức cấp cứu và các chuyên ngành, lĩnh vực khác phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế xã hội theo từng địa phương. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào trong dự thảo Luật lần này.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo. Các ý kiến góp ý của ĐBQH sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất./.
Tổng hợp: Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc