Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

14:05, 27/10/2022

Chiều 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đồng thời thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp chiều 26.10

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có 5 nội dung chính còn ý kiến khác nhau như: Bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, nhóm đối tượng được áp dụng tương tự thành viên của gia đình và bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Đoàn ĐBQH Hà Giang dự phiên thảo luận tại hội trường

Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị Khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Có ý kiến đề nghị xếp loại theo các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục và các loại bạo lực khác; một số ý kiến góp ý về nội dung các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.

Về đối tượng có hành vi bạo lực gia đình, có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là anh, chị, em của người đã ly hôn. Mặt khác, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là "người tình" của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.

Ngoài ra, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng. Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình "lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm", theo các Đại biểu, mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình, giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.

 Buổi thảo luận đã có 17 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp này.

Tổng hợp: Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc