Tối nay (17/10), Chương trình truyền hình phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay Vì người nghèo” năm 2022 do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ tổ chức sẽ diễn ra với chủ đề: Hành trình của hy vọng. Một hành trình bền bỉ, tận tâm của cả cộng đồng dành cho người nghèo, trao yêu thương để thắp lên những hy vọng.
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 sẽ diễn ra lúc 20h10 ngày 17/10, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, thành phố Hà Nội. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, phát thanh trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được các đài Phát thanh - Truyền hình trên cả nước tiếp sóng. Dự kiến chương trình sẽ có khoảng 1.100 người tham dự. Trước đó, vào lúc 14h00 - 17h00 cùng ngày, tại sảnh Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô sẽ diễn ra chương trình tiếp nhận ủng hộ người nghèo.
Hơn 20 năm trước, hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, vào đúng ngày 17/10/2000, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức phát động Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên phạm vi toàn quốc và lấy ngày 17/10 hàng năm là Ngày “Cả nước vì người nghèo”.
Đây là một cuộc vận động lớn, phù hợp với ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân, là sự hưởng ứng của Việt Nam đối với quyết định của Liên Hợp quốc khi chọn ngày 17/10 hàng năm là Ngày “Thế giới chống đói nghèo”.
Từ đó, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã trở thành một trong những hoạt động nổi bật nhất của công tác Mặt trận và điểm sáng chính là những Chương trình truyền hình trực tiếp “Nối vòng tay lớn” vào ngày 31/12 hàng năm.
Kể từ năm 2017, Chương trình “Nối vòng tay lớn” được tiếp nối bằng Chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào ngày 17/10 hàng năm - mở đầu cho Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10 - 18/11). Đây cũng là một cách để người Mặt trận tạo thêm sự lan tỏa trong xã hội, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trong nhiều năm qua, dù chương trình có những tên gọi khác nhau, “Nối vòng tay lớn” hay “Cả nước chung tay vì người nghèo” thì mục tiêu đặt ra không bao giờ thay đổi. Đó là vì người nghèo. Một hành trình bền bỉ, tận tậm của cả cộng đồng dành cho người nghèo, trao đi những yêu thương, sẻ chia để thắp lên những hy vọng. Đặc biệt, từ chương trình này, bên cạnh việc thông tin tới khán giả cả nước kết quả công tác xóa đói giảm nghèo còn lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng.
4 HÌNH THỨC ỦNG HỘ NGƯỜI NGHÈO
1.Tiếp nhận qua tài khoản Ngân hàng Vietcombank
-Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương
-Số tài khoản: V999
-Tại Sở giao dịch, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
2.Tiếp nhận qua tài khoản Ngân hàng Chính sách xã hội
-Tên tài khoản: Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương
-Số tài khoản: 1000001000171717
-Tại Sở giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội.
3.Tiếp nhận qua tài khoản Kho bạc Nhà nước:
-Tên tài khoản: Quỹ "Vì người nghèo" Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
-Số tài khoản: 3761.0.9054386.91046
-Tại Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm, Hà Nội.
4.Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt:
Phòng Kế hoạch - Tài chính (phòng 109, phòng 111, Nhà B), Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: 02439288480.
Còn nhớ, vào năm 2019, Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay Vì người nghèo” tối ngày 17/10 đầy cảm xúc nhất là đến phân cảnh một cụ già đạp xe từ cánh gà ra sân khấu. Đó là cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa - người đã từng 2 lần đạp xe lên UBND xã nộp đơn xin thoát nghèo.
Lý do để cụ Mơ xin thoát nghèo rất đơn giản, vì cụ cho rằng “ tôi nhìn thấy bao người tàn tật, bị nhiễm chất độc màu da cam khổ hơn mình mà mình tuy đã già nhưng mắt vẫn nhìn thấy rõ, vẫn đạp xe vèo vèo, có một đàn gà bốn, năm chục con thì hà cớ gì phải để Nhà nước chu cấp”. Cho nên, cụ quyết tâm làm đơn xin thoát nghèo mà “tuổi cao trí càng cao, trí đã quyết thì phải làm cho bằng được”.
Nụ cười và tấm chân tình ấy đã chạm đến trái tim rất nhiều người, những tràng pháo tay không ngớt dưới khán đài như một lời tri ân đến cụ Mơ.
Năm 2020, với chủ đề “Hướng về phía mặt trời”, Chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay Vì người nghèo” đã mang tới nhiều câu chuyện ý nghĩa, xuất phát từ những điều rất đỗi giản dị như câu chuyện của những lão nông xây cầu ở Cái Bè, Tiền Giang.
Không có trình độ chuyên môn, nhiều người trong số họ còn khó khăn, không ruộng vườn và đau yếu nhưng 10 năm ròng họ đã bỏ công, bỏ sức bẻ sắt, trộn hồ, vác gạch, xúc cát để xây hơn 400 cây cầu cho bà con.
Khán giả theo dõi Chương trình truyền hình trực tiếp hôm ấy như vỡ òa cảm xúc khi những lão nông xây cầu bước lên sân khấu. Đó là những người đàn ông da rám nắng, với nụ cười hồn hậu đã mang tinh thần lạc quan của mình gửi tới tất cả những ai xem chương trình.
Bởi với họ mỗi cây cầu có thể ngắn nhưng nó nối dài những con đường, mở mang dân trí, mang lại niềm vui hạnh phúc cho những người nông dân vùng sông nước.
“Điều chúng tôi mong mỏi là có thêm nhiều nhà hảo tâm đóng góp hoàn thành những cây cầu tốt hơn cho học sinh và bà con đi lại thuận tiện hơn” - ông Nguyễn Khoẻ, một thành viên trong nhóm xây cầu chia sẻ.
Có thể hàng ngày chúng ta thấy rất nhiều những nghĩa cử cao đẹp dành cho người nghèo, nhưng việc những người đàn ông xây cầu đã giúp chúng ta nhận ra dù bạn là ai, ở đâu, làm gì khi nghĩ về những người xung quanh đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống, thôi thúc mỗi người có thêm quyết tâm để chia sẻ, đồng hành, không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo số liệu thống kê, trong gần 3 năm (từ năm 2020 đến nay) mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, Ủy ban MTTQ các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 3.865 tỷ đồng (Trung ương tiếp nhận trên 171,1 tỷ đồng; địa phương tiếp nhận trên: 3.694 tỷ đồng). Vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 15.448 tỷ đồng. Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 102.910 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khám chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ 663.771 lượt người phát triển sản xuất; xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.
Những năm qua, đặc biệt, trong 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh hàng triệu người có cuộc sống ấm no thì cũng còn hàng nghìn, hàng vạn đồng bào vẫn chịu cảnh thiên tai, bão lũ, và biết bao người đang phải chịu những hệ luỵ từ “cơn bão” Covid-19 để lại. Có thể hôm nay chưa đến mức nghèo thì chỉ trong phút chốc, giữa cơn cuồng nộ của thiên nhiên như mưa gió bão lũ lại trở thành tay trắng, không còn gì, mất hết của cải, nhà cửa và kể cả những người thân trong gia đình mình. Hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến bao gia đình nghèo rơi vào cảnh kiệt quệ. Bởi vậy, có rất nhiều người vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo rồi nay có thể tái nghèo.
Vì vậy, việc động viên và giúp đỡ những người nghèo một cách trách nhiệm, tình thương, chia sẻ và thiết thực là điều mà Đảng, Nhà nước ta vẫn đang nỗ lực thực hiện. Nhà nước tiếp tục ưu tiên các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nhân trong và ngoài nước, thì câu chuyện còn lại là sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người nghèo.
Sự vươn lên ấy, hiểu đơn giản là ý chí và thái độ sống sẻ chia, lạc quan và tự trọng của những người như cụ bà Đỗ Thị Mơ hay những lão nông xây cầu ở Tiền Giang đã lựa chọn. Và việc sử dụng đúng cách những nguồn lực hỗ trợ người nghèo như sự kỳ vọng tin tưởng của các nhà hảo tâm đã trao gửi ở Mặt trận cũng là một cách để giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, Chương trình truyền hình phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” không diễn ra, thay vào đó các địa phương trên cả nước vẫn tiếp tục phát động Tháng Cao điểm Vì người nghèo tùy theo hoàn cảnh, diễn biến của dịch bệnh.
Tiếp nối thành công của chương trình từ những năm trước, năm 2022, Chương trình truyền hình phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay Vì người nghèo” quay trở lại với chủ đề: Hành trình của hy vọng. Thông điệp mà chương trình hướng tới là sự lắng nghe, là tấm lòng chia sẻ yêu thương, sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng đối với người nghèo.
Những năm qua, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” nói riêng và công tác vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Thông qua công tác vận động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhiều tổ chức phi Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... đã ủng hộ giúp đỡ trực tiếp người nghèo và triển khai các chương trình an sinh xã hội mỗi năm ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Nhờ đó, công tác vận động chăm lo cho người nghèo của Mặt trận tiếp tục thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp chống đói nghèo, phát huy truyền thống “Tương thân tương ái” của đông đảo nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Nỗ lực trên đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người nghèo và tiếp tục khẳng định tính xã hội nhân văn sâu sắc từ một cuộc vận động.
Nhưng hơn cả, một tinh thần “Cả nước vì người nghèo” đã bước ra từ cuộc vận động của Mặt trận để lan tỏa, khơi dậy tình yêu thương, sự sẻ chia cộng đồng, tạo nên những phong trào vì người nghèo ở trong lòng nhân dân. Đó chính là động lực to lớn để giúp người nghèo thắp lên hy vọng, vượt qua những gian khó.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam: |
Kịp thời, đúng lúc, cần thiết vì người nghèo đang rất cần sự hỗ trợ
Thông qua việc tổ chức Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022, MTTQ Việt Nam đã thể hiện và triển khai được tinh thần “vì người nghèo” là tinh thần và ý chí của cả cộng đồng đã được Mặt trận duy trì trong nhiều năm. Việc làm này đã khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng thể hiện rõ tôn chỉ, mục đích hoạt động của Mặt trận là đại đoàn kết toàn dân. Đoàn kết thì phải vì dân, mà vì dân thì trước tiên chúng ta phải vì những người nghèo. Người bình thường có thể tự lo cho mình cuộc sống đủ đầy, còn những người có hoàn cảnh khó khăn thì cần phải có những tổ chức đồng hành và chăm lo. Lần phát động này còn có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình kinh tế nói chung đang trải qua nhiều biến động và khó khăn, người nghèo đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, kịp thời, đúng lúc, cần thiết bởi sau đại dịch, người nghèo đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của chúng ta. Người ta thường nói “tiếng lành đồn xa”, “hữu xã tự nhiên hương”. “Tiếng thơm” xuất phát từ ý nghĩa nhân văn của chương trình sẽ tự nhiên lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Và cũng từ lễ phát động này, Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ ngày càng tin tưởng vào Mặt trận, vai trò, vị trí của Mặt trận ngày càng được nâng lên. Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 là sự nối tiếp liên tục để khẳng định ý nghĩa cũng như giá trị thực trong quá trình phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”. Tôi nghĩ rằng, không chỉ dừng lại ở Tháng cao điểm “Vì người nghèo” mà Mặt trận cũng như các doanh nghiệp, nhà hảo tâm sẽ tiếp tục tham gia giúp đỡ người nghèo, nhất là người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tiến Đạt (ghi)
Bà Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, Đại biểu Quốc hội khóa XV: |
Chung tay vì người nghèo là mệnh lệnh của mỗi trái tim
Hàng năm, Chương trình “Cả nước Chung tay vì người nghèo” chính là sự tiếp nối đầy nhân văn của chương trình “Nối vòng tay lớn”, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11). Chung tay vì người nghèo là mệnh lệnh của mỗi trái tim. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chủ trương hướng về người nghèo đã biến thành những hoạt động cụ thể được triển khai ở mọi cấp, mọi ngành, lan tỏa đến mọi miền của Tổ quốc. Đã có hàng chục nghìn tỷ đồng trên cả nước ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Đây chính là những con số “biết nói”, thể hiện truyền thống của người Việt “rằng qua cơn hoạn nạn, ta mới hiểu lòng nhau”, là kết quả của lòng dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, là thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Chính những tình cảm, lòng nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng, những món quà ủng hộ đầy ý nghĩa này đã lan tỏa, gieo mầm và chia sẻ yêu thương, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện rõ tinh thần “tương thân tương ái”, giá trị của “một miếng khi đói, bằng một gói khi no” trong lúc khốn khó. Mỗi tấm lòng, mỗi sự sẻ chia tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” sẽ mở ra cánh cửa hy vọng, tiếp thêm niềm tin, nghị lực để người nghèo trên khắp đất nước nỗ lực vươn lên, hướng tới một cuộc sống yên ấm, tốt đẹp hơn.
Vũ Mạnh(ghi)
Ý kiến bạn đọc