Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 4.11, Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về việc tinh giản biên chế.
Toàn cảnh phiên trả lời chất vấn |
Đại biểu Vương Thị Vương nêu vấn đề, việc thực hiện tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng, miền và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế do tỷ lệ biên chế 2 ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức của các địa phương; trong khi các tỉnh miền núi, biên giới với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình, điều kiện KT- XH còn nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ cũng như thực hiện xã hội hóa 2 lĩnh vực này là rất khó thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân và sự phát triển của địa phương. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để chia sẻ và hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Vương Thị Hương |
Theo đại biểu, trong phần trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Tao Văn Giót, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng cũng khẳng định rằng việc cào bằng chỉ tiêu giảm 10% biên chế dẫn đến nhiều hạn chế, bất cập và có ý kiến cho rằng cần thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2022-2026 theo hướng chia theo từng khu vực, vùng, miền và không cào bằng, đề xuất đối với các tỉnh miền núi, biên giới tỷ lệ tinh giản từ 3 đến 5%. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về ý kiến này?
Đại biểu Vương Thị Hương chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Thị Hương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, việc giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở miền núi là khó khăn và đặc biệt ở giáo dục và y tế lại càng khó khăn hơn. Trước mắt, theo Quyết định 40 của Bộ Chính trị và Quyết định 72 đã giao biên chế cho các địa phương đảm bảo thực hiện giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức, việc này chúng ta tập trung để chấp hành cho cả giai đoạn 2022-2026 theo quyết định của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc thù của từng vùng miền cũng có những khó khăn trong thực hiện, nhất là đối với đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục và y tế. Nhưng chúng tôi xin nhấn mạnh lại một ý, nhiều địa phương đang bị nhầm lẫn giữa việc giảm biên chế viên chức với giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau và đang có sự nhầm lẫn ở một số địa phương, chúng ta không cắt bỏ số người đang làm việc ở hệ thống viên chức đi, mà chúng ta giảm số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đối với các địa phương như Hà Giang, các địa phương miền núi có khó khăn hơn cho việc giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhất là đối với giáo dục và y tế, sau này chúng tôi cũng sẽ báo cáo với Ban Chỉ đạo T.Ư về quản lý biên chế để những địa phương có sự tự chủ thấp sẽ được điều chỉnh. Bộ trưởng Bộ Nội vụ lấy ví dụ, ở những vùng đồng bằng, những nơi có điều kiện sẽ thúc đẩy tự chủ cao hơn, thúc đẩy xã hội hóa cao hơn, như vậy sẽ gánh được cho những địa phương, vùng miền khó khăn hơn. Theo Bộ trưởng, trước mắt tiếp tục chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc Bộ sẽ cùng các địa phương rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phù hợp.
Nguồn: BHG
Ý kiến bạn đọc