Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi)

13:16, 08/11/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 7.11, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, tổ trưởng chủ trì tại tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận, Gia Lai, Bắc Kạn. Đoàn ĐBQH Hà Giang đã thảo luận nhiều ý kiến về 2 dự án luật trên.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận tại tổ 3
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận tại tổ 3
 

Tham gia ý kiến vào Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Lý Thị Lan đồng tình với sự cần thiết ban hành luật cũng như bố cục, nội dung của dự thảo luật.

Trong quy định về “chỉ định thầu”, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đồng tình ý kiến của đại biểu Siu Hương, Đoàn ĐBQH Gia Lai. Theo đại biểu, thực tế thực hiện Luật Đấu thầu năm 2013 đã có những trường hợp chỉ định thầu dù diễn ra không thuộc trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại khoản 1, Điều 22 do áp dụng cơ chế đặc biệt để thực hiện các dự án cấp bách để tránh kéo dài thời gian triển khai, nhưng khi thực hiện rất chậm tiến độ. Hoặc vấn đề quy định về hạn mức được chỉ định thầu cũng đã dẫn đến hiện tượng xé lẻ gói thầu, chia giai đoạn đầu tư để lạm dụng chỉ định thầu, trúng thầu. Để khắc phục tình trạng trên, trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung lần này, đại biểu đề xuất quy định chỉ định thầu như sau:

Thứ nhất, đối với những người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cần phải xem xét kỹ lưỡng căn cứ trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu khi đưa ra quyết định vì không ai khác người có thẩm quyền và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm pháp luật về quyết định của mình.

Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
 

Thứ hai, cần tăng cường tính công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và các cơ quan thông tin, báo chí có thể tham gia theo dõi, giám sát, thanh tra để phát hiện vi phạm, sai sót về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trái quy định.

Thứ ba, cần sửa đổi quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết đối với dự án BT, BOT, đặc biệt các dự án về cơ sở hạ tầng. Cụ thể về quy trình lựa chọn nhà thầu, trình tự, thủ tục chỉ định, các điều kiện nhà đầu tư, nhà thầu phải đáp ứng và xử lý các sai phạm của nhà đầu tư, nhà thầu.

Thứ tư, cần sửa đổi giảm bớt các thủ tục rườm rà, không cần thiết trong quy trình đấu thầu; đưa ra những quy định rõ ràng hơn thế nào là gói thầu cấp bách, vì lợi ích quốc gia, đặc biệt và giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các công trình dùng ngân sách nhà nước. Không quy định về hạn mức chỉ định thầu, tránh tình trạng xé nhỏ gói thầu. Phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử phạt, trách nhiệm cụ thể đối với các cấp quản lý từ chủ đầu tư đến các bộ, ngành, địa phương.

Về “quy định tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư”, theo Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan, tại điểm c, khoản 1, Điều 5 dự thảo quy định điều kiện nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ khi “không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản hoặc pháp luật của nước mà nhà thầu được cấp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các tài liệu tương đương khác”. Việc quy định như vậy là chưa rõ ràng. Như thế nào được cho là “mất khả năng thanh toán”? Và nội dung này có áp dụng theo quy định tại Luật Phá sản 2014 không? Ngoài ra, nhà thầu, nhà đầu tư phải chứng minh mình không “mất khả năng thanh toán” như thế nào? Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo xem xét quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thuận lợi khi tổ chức thực hiện.

Đối với “quy định về đền bù chi phí khi hủy thầu”, đại biểu cho rằng, khoản 4 Điều 17 dự thảo quy định: “Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 và điểm c, d khoản 2 điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan để bù đắp chi phí đấu thầu lại và bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Quy định về cơ chế đến bù chi phí như dự thảo là chưa rõ. Đền bù như thế nào, các bên liên quan phải khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự hay là theo trình tự thủ tục nào? Đây là quy định quan trọng, góp phần tạo tính cạnh tranh, minh bạch của hoạt động đấu thầu và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu tham dự thầu. Vì vậy, Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan đề nghị Ban Soạn thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về đền bù chi phí khi hủy thầu trong các trường hợp trên.

Góp ý vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, qua hơn 9 năm thực hiện Luật Giá năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác quản lý điều hành giá và công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường giá cả… góp phần vào công tác ổn định kinh tễ vĩ mô, kiểm soát lạm phát và sự phát triển KT-XH trong nước. Việc sửa đổi luật nhằm khắc phục những hạn chế, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa Luật Giá hiện hành với các luật chuyên ngành khác, đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.  

Đại biểu Hoàng Ngọc Định góp ý vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi)
Đại biểu Hoàng Ngọc Định góp ý vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi) (Ảnh: Minh Đông TTXVN)

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, trong Điều 3 về “Áp dụng Luật Giá và các luật có liên quan”, Ban Soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các Ban Soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để quy định một số vấn đề nêu trên nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các luật.

Đại biểu cho rằng, Chương III dự thảo luật đặt tên là: “Nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước”. Quy định như vậy vừa dài, vừa chưa chính xác. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa lại cho phù hợp. Theo đại biểu, không nên quy định “quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá” mà nên quy định chung là “quản lý nhà nước về giá”, vì tên gọi của luật là Luật Giá, trong đó việc thẩm định giá chỉ là một trong những nội dung liên quan đến giá; hơn nữa quy định như dự thảo sẽ hiểu lầm là giá và thẩm định giá là 2 vấn đề khác nhau.

Tại khoản 9, Điều 12 dự thảo quy định: “Nội dung khác theo quy định pháp luật có liên quan”. Theo đại biểu như vậy là không rõ ràng, đề nghị cần phải chỉ rõ theo quy định của pháp luật nào và phải làm như thế nào để khi luật có hiệu lực thì mới thực hiện được.

Đại biểu cho rằng, tại Điều 42 về kinh phí bảo đảm công tác tổng hợp, phân tích và dự báo giá thị trường, Ban Soạn thảo xem xét cân nhắc không quy định kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động nêu tại khoản 1. Bởi nếu quy định như dự thảo luật sẽ dẫn tới tình trạng khi luật có hiệu lực các cơ quan chức năng sẽ hiểu khác nhau là có hai nguồn kinh phí cho các hoạt động trên. Điều này sẽ tạo nên sự bất hợp lý và không công bằng.

Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, từ thực tiễn triển khai Luật Giá và các hoạt động trông lĩnh vực về giá cần có thêm 1 điều về “xử lý vi phạm pháp luật về giá” và các quy định về việc khiếu nại, tố cáo và quy định về thẩm quyền, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực giá để làm cơ sở cho việc thực hiện khi luật được ban hành.

Cũng tham gia vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, trong dự thảo Luật đang quy định cho HĐND thẩm quyền quy định về giá sẽ mâu thuẫn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương khi Luật này quy định HĐND tỉnh chỉ có nhiệm vụ quy định và quyết định về phí và lệ phí, không có thẩm quyền quy định về giá. Theo đại biểu, trong chính sách hiệp thương giá được quy định tại các tại Điều 27, 28, 29 và 30 trong dự thảo Luật, đề nghị nên nghiên cứu và không quy định về chính sách hiệp thương giá tại trong dự thảo luật này vì nó không mang nhiều ý nghĩa và nó không phản ánh được bản chất của việc điều tiết và quản lý giá của Nhà nước.

Nguồn: BHG


Ý kiến bạn đọc