Ngày 9/6, kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc tập trung tại hội trường. Tham dự kỳ họp có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang cùng các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc tập trung tại hội trường |
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo. Sau nghe báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Luật Đất đai sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh dự thảo luận tại tổ 10 |
Tham gia thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang trao đổi, phân tích, làm rõ về: Một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan.
Thứ nhất, một số quy định trong Luật Đất đai chưa tương thích với Luật Đấu thầu. Luật Đất đai chưa quy định rõ đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu rồi có phải đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai hay không; khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án có sử dụng đất thì mỗi địa phương thực hiện khác nhau, không thống nhất. Đại biểu dẫn chứng các nội dung tại Điều 118 Luật Đất đai năm 2013; Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013; Nghị định số 30/2015 NĐCP, ngày 17.3.2015 của Chính phủ.
Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan thảo luận |
Thứ hai, một số quy định của Luật Đất đai chưa tương thích với Bộ luật Dân sự về trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định tại Điều 119 Luật Đất đai. Đối chiếu với Điều 609 của Bộ luật Dân sự quy định, một số điều khoản của Luật Đất đai đã ảnh hưởng đến quyền thừa kế của cá nhân theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai có điều chỉnh các quy định còn chồng chéo trên để khi dẫn chiếu với các luật khác sẽ phù hợp trong quá trình thực tiễn.
Ngoài ra, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng một số quy định của Luật Đất đai trong thực tiễn thi hành còn nhiều vướng mắc, bất cập:
Thứ nhất, về minh bạch thông tin, Luật Đất đai chưa có quy định công khai thông tin về Nhà nước giao đất cho thuê đất hay giá đất. Điều này dẫn đến khoảng trống lớn, dễ phát sinh tham nhũng khi người dân không được biết, không giám sát được. Cần sửa đổi Điều 24 của Luật Đất đai (sửa đổi) như sau: Thêm 1 mục là “Công bố công khai thông tin kịp thời về giao đất, cho thuê đất hay giả đất cho tổ chức và cá nhân trong quản lý đất đai”.
Thứ hai, theo đại biểu, cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" trong Điều 62, Luật Đất đai 2013 có thể áp dụng vào bất kỳ dự án nào. Do đó, dự án phát triển kinh tế cần được tách biệt rõ ràng với những dự án công cộng vì lợi ích quốc gia, điểm này cần được sửa đổi trong Luật Đất đai mới (Điều 74 trong dự thảo).
Thứ ba, theo quy định của Luật Đất đai, trong công tác bồi thường khi thu hồi đất có quy định Nhà nước sẽ bồi thường cho người sử dụng đất nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo pháp luật đất đai về bồi thường. Việc bồi thường có thể bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc có thể bằng tiền theo giá đất cụ thể phụ thuộc vào từng địa phương, nếu địa phương có đủ điều kiện đất thì sẽ bồi thường bằng đất. Với quy định như vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bị thu hồi đất và cũng hạn chế các phương án bồi thường của địa phương khi địa phương còn nhiều quỹ đất nhưng không có cùng mục đích sử dụng đất đối với loại đất thu hồi.
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận |
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Tráng A Dương cho rằng, chính sách đối với đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ áp dụng với vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn là chưa thực sự phù hợp. Vì trong thực tế chỉ có các xã khu vực I bước đầu phát triển hoặc xã nông thôn mới đã cơ bản là đủ đất sinh hoạt cộng đồng; nhiều xã khu vực II chưa đủ đất sinh hoạt cho cộng đồng, do đó nếu không ưu tiên đối với các xã khó khăn thì việc thực hiện luật đối với những địa bàn này rất khó.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị khoản 1 Điều 17 dự thảo luật giữ nguyên theo quy định của luật năm 2013 và chỉnh lý ưu tiên chính sách đất ở đối với cá nhân được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157 và khoản 2 Điều 17 đề nghị kế thừa quy định của luật năm 2013. Đại biểu đề nghị quy định lại khoản 2 Điều 180 bổ sung đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu dẫn chứng nhiều địa phương đất không có nhiều, nhiều hộ thiếu đất ở và đất sản xuất. Vì vậy cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và chỉnh lý nội dung này.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế một điều quy định riêng về chính sách ưu tiên về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, mở rộng đối tượng cho phép áp dụng đối với các trường hợp được tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tại phiên thảo luận tại tổ |
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Đồng thời, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tổng hợp: Thanh Giang
Ý kiến bạn đọc