Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tỉnh Hà Giang

19:28, 25/08/2023

Nâng cao chất lượng GD&ĐT là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; đánh giá đúng chất lượng giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên hằng năm; thực hiện "Dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá thật". Đây là một trong những nội dung lớn được tập trung thảo luận tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030 được Tỉnh ủy tổ chức vào chiều ngày 25/8. Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có GS TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên; đại diện Báo tiền phong, cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương. Dự Hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và các trường THCS, THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh.

 

 
Toàn cảnh hội nghị

Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 1 nghị quyết, 29 kế hoạch và hàng chục quyết định liên quan đến giáo dục đào tạo. Nhờ đó, giáo dục đào tạo của tỉnh chuyển biến tích cực, nhất là công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi đến phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh hiện có 820 cơ sở giáo dục, trong đó có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, 180 trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, xúc tiến thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tuy nhiên, thực tế chất lượng giáo dục của Hà Giang vẫn đang ở vùng trũng của cả nước. Nguyên nhân tình trạng này, ngoài yếu tố khách quan do điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội thì có thể thấy cơ sở vật chất còn thiếu và yếu, toàn tỉnh vẫn còn thiếu trên 2.900 cán bộ, giáo viên. Việc kiểm soát chất lượng giảng dạy của giáo viên và đánh giá năng lực của học sinh chưa thực hiện nghiêm túc. Công tác quản trị của một số nhà trường, việc tổ chức giải pháp nâng chất lượng giáo dục chưa được chú trọng.

Các đại biểu dự hội nghị

Xác định nâng cao chất lượng GD&ĐT là nhiệm vụ trọng tâm, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến toàn diện về quy mô, chất lượng giáo dục ở các cấp học; thực hiện đánh giá đúng chất lượng giáo dục và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; thực hiện "Dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá thật". Tỉnh Hà Giang đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023-2030 với mục tiêu cụ thể là: huy động trẻ từ 0-2 tuổi ra lớp đạt 30% trở lên; 98% trở lên trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường mầm non. Tỉ lệ duy trì sĩ số đạt 98% trở lên. Hàng năm có 95% học sinh trở lên được đánh giá đạt qua tổ chức khảo sát. 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn. Để thực hiện được mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, tỉnh Hà Giang sẽ dành gần 750 tỷ đồng đầu tư cho công tác giáo dục.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HHĐN tỉnh Thào Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị

Với tinh thần cởi mở và thẳng thắn, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung vào thảo luận các vấn đề như những tồn tại, hạn chế kìm hãm sự phát triển của giáo dục đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Hà Giang. Trong đó, theo nhiều đại biểu giáo viên và những người quản lý giáo dục là then chốt nhất cần được quan tâm, bồi dưỡng thường xuyên.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu bế mạc hội nghị    

Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục được Tỉnh ủy tổ chức không chỉ thể hiện quan điểm nhìn thẳng vào vấn đề mà còn là sự quan tâm, mở ra cơ hội phát triển cho giáo dục Hà Giang trong giai đoạn tiếp theo. Để Đề án đạt mục tiêu đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của toàn xã hội; bổ sung đủ về số lượng, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên; ưu tiên, dành nguồn lực cho giáo dục. Đồng thời cần xác định giáo dục phổ thông làm nền tảng, giáo dục nghề nghiệp là trọng tâm và giáo dục đại học là đột phá chiến lược.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị các cấp và ngành giáo dục cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ và chống bệnh thành tích trong giáo dục. Theo đó, công tác đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện chế độ cho học sinh, việc luân chuyển, bổ nhiệm giáo viên nếu không được thực hiện công khai, minh bạch sẽ là lực cản cho giáo dục phát triển.

Khắc phục những khó khăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, các đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm, ưu tiên kinh phí thực hiện hợp đồng cho đủ giáo viên theo định biên. Có chính sách nhằm thu hút, khuyến khích giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp.

Cũng tại Hội nghị đã có 8 lượt ý kiến tham luận tập trung đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chính sách khuyến khích cán bộ, giáo viên và bồi dưỡng cho học sinh của các trường chuyên biệt; huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội chăm lo cho giáo dục.

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đánh giá những kết quả mà ngành GD&ĐT tỉnh Hà Giang đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Có được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô giáo và sự chung tay của toàn xã hội. Tuy nhiên, những hạn chế của ngành GD&ĐT Hà Giang hiện nay còn nhiều và đến từ nhiều nguyên nhân đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ và toàn diện.

Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế còn tồn tại, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đến công tác giáo dục chưa thường xuyên, liên tục; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế; việc đánh giá chất lượng giáo dục ở nhiều cấp chưa thực chất mà còn nặng thành tích, thiếu công cụ đánh giá toàn diện; một bộ phận cán bộ quản lý chưa tận tâm với nghề, kỷ cương, kỷ luật bị buông lỏng, thiếu tính gương mẫu của người đứng đầu. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn xã hội để đồng hành với ngành giáo dục. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc đối với giáo dục, bởi giáo dục là sự nghiệp của toàn đảng và toàn dân.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị các nhà trường, giáo viên phải xác định công tác đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là phương châm cốt lõi của quá trình nâng cao chất lượng giáo dục. Làm tốt khâu đánh giá, lựa chọn,  xây dựng quy chế làm việc, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, cần làm tốt hơn nữa công tác thi đua khen thưởng. Kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời phê bình, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân còn buông lỏng hoạt động chuyên môn. Tích cực phát huy vai trò của của cả hệ thống chính trị xã hội, tăng cường phối hợp giữa ngành GD&ĐT với các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng và các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn một lần nữa nhấn mạnh đến quan điểm chỉ đạo của tỉnh là “Dạy thật - Học thật - Thi thật - Chất lượng thật”. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố cần quyết liệt tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục. Bố trí nguồn kinh phí để hợp đồng giáo viên. Tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường bảo đảm thực chất, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò nêu gương, mẫu mực của đội ngũ nhà giáo. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, thực hiện đưa học sinh tiểu học từ điểm trường về học tại trường chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu, ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch, triển khai đảm bảo kiên định, đồng bộ và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân./.

Tuấn Quỳnh- Đình Anh- Văn Hương


Ý kiến bạn đọc