Sáng ngày 20/10, bằng hình thức trực tuyến, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thành viên Chính phủ đã có buổi làm việc với 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang về tình hình sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì tại điểm cầu Trung tâm. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Gia Long, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Theo báo cao: 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh Hà Giang ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh với lượng du khách là trên 2,1 triệu lượt người, doanh thu đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng; hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều chuyển biến tích cực với kim ngạch đạt trên 241 triệu USD. Về hoạt động đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án trọng điểm: Tổng kế hoạch vốn năm 2023 Trung ương giao là trên 6.200 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/10 toàn tỉnh đã giải ngân được gần 3.400 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc |
Trên cơ sở kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Hà Giang đề nghị Chính phủ xem xét cho chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều chỉnh giảm đối với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1535 do vượt khả năng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 của địa phương; đề nghị Chính phủ, Quốc hội từ năm ngân sách 2024; xem xét chỉ giao kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng Chương trình MTQG, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn theo từng dư án, Iĩnh vực cụ thể; hàng năm được chi chuyển nguồn vốn sự nghiệp thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025 sang ngân sách năm sau tiếp tục thực hiện và giải ngân; cho phép địa phương được điều chỉnh nguồn vốn đầu tư phát triển kéo dài thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ các dự án chưa có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân; xem xét bổ sung cho tỉnh Hà Giang thêm nguồn vốn trong dự toán ngân sách năm 2024, 2025 để tỉnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình được giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ khó khăn cũng như đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đã đạt được. Đồng chí đề nghị 2 địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn theo đúng tinh thần, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cả trong đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng lưu ý 2 tỉnh có giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân.
Văn Hương
Ý kiến bạn đọc