Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

17:07, 18/07/2024

Sáng ngày 18/7, Đoàn khảo sát Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khoá XV do đồng chí Trần Hồng Nguyên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với  Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nhằm trao đổi, tìm hiểu thực tiễn việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp tại tỉnh Hà Giang. Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Lý Thị Lan , Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành và thường trực HĐND các huyện: Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

 
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn khảo sát kết quả thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh nêu rõ: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng và điều kiện thuận lợi để Quốc hội các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tại tỉnh Hà Giang, từ năm 2016 đến nay, Đoàn ĐBQH đã thực hiện hoàn thành 35 cuộc giám sát. Các cuộc giám sát chuyên đề được Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động ban hành quyết định thành lập đoàn, xây dựng chương trình và đề cương giám sát. Ngay sau khi kết thúc các đợt giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành báo cáo thực hiện chương trình giám sát theo đúng quy định của Luật Tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khoá XV Trần Hồng Nguyên phát biểu kết luận buổi làm việc

Đối với HĐND tỉnh, qua 7 năm thi hành Luật, hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung, hình thức, phương thức giám sát ngày càng được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ nâng cao tính công khai, minh bạch. Qua giám sát đã góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của địa phương.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, tìm hiểu thực tiễn việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp tại tỉnh Hà Giang; đồng thời, lấy ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, Thường trực HĐND các cấp ở tỉnh Hà Giang về các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Một số ý kiến đề nghị: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, điều phối chặt chẽ hoạt động của các Đoàn giám sát, tránh trường hợp các Đoàn về làm việc với cùng một địa phương trong thời gian quá cận kề nhau, dẫn đến khó khăn cho Đoàn ĐBQH và địa phương trong việc xắp xếp thời gian thực hiện và để đảm bảo chất lượng các cuộc giám sát. Ngoài ra, cần tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khoá XV Trần Hồng Nguyên đánh giá cao công tác giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, cảm ơn sự đón tiếp chu đáo, sự chia sẻ thẳng thắn, cởi mở của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND các cấp của tỉnh tại buổi làm việc, nhất là những khó khăn, bất cập, hạn chế trong hoạt động giám sát tại địa phương, cơ sở. Đồng thời khẳng định các ý kiến tại buổi làm việc sẽ được đoàn tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của ĐBQH và HĐND trình Quốc hội thông qua./.

Văn Hương – Hải Hà


Ý kiến bạn đọc