Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 26 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và các Bộ ngành có liên quan. Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Chính phủ họp triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh dành phút mặc niệm các nạn nhân tử vọng do bão số 3 |
Tính đến sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập úng do hoàn lưu sau bão đã làm 348 người chết và mất tích, trong đó 281 người chết và 67 người mất tích. Hội nghị đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến 6 giờ sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết, mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết…Bên cạnh đó, do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng. Tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng…
Để ứng phó với mưa lũ, các lực lượng, đặc biệt là quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã hướng dẫn cho trên 51.300 tàu cá với gần 220.000 người và phương tiện, tàu vận tải hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán gần 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, nhà yếu đến nơi an toàn; sơ tán, di dời trên 74.500 hộ tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn. Quân đội đã huy động trên 438.200 người, 6.642 phương tiện ứng phó với bão; công an huy động hơn 150.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cùng các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh |
Đối với Hà Giang, cơn bão số 3 làm chết 2 người, thiệt hại 1.407 nhà, trong đó có 28 nhà bị sập hoàn toàn; gần 1.200 ha lúa, 469 ha ngô, 149 ha cây hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng; 14 trường, 6 điểm trường bị thiệt hại; 8 công trình thủy lợi, 886m kênh mương bị hư hỏng; 6 tuyến quốc lộ, 11 tuyến đường tỉnh, 106 tuyến đường huyện, liên xã bị ảnh hưởng, thiệt hại với tổng khối lượng đất đá bị sạt lở trên 200 nghìn mét khối...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm, chủ động của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã nỗ lực triển khai các biện pháp ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân tham gia khắc phục hậu quả của bão, lũ với tinh thần tin tưởng vào Đảng và Nhà nước trong việc xử lý các tình huống thiên tai.
Sau khi chỉ rõ những khó khăn, nêu lên các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão số 3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trước mắt, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ vì hiện nay, lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao. Khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa mầu bị ngập; Đối với khu vực miền núi phía Bắc tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN và PTNT chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tổng hợp các sự cố, hư hỏng hệ thống đê điều, hồ chứa do bão, mưa lũ và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhu cầu kinh phí khắc phục, sửa chữa để đảm bảo an toàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo, nhất là mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới tại các khu vực đã xảy ra mưa lũ. Các tỉnh, thành phố tập trung tìm kiếm cứu nạn những người còn mất tích; Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở. Rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới./.
Hải Hà - Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc