Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sắp diễn ra là dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (Nghị quyết 01).
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng tốc trong năm mới 2021. - Ảnh: TNO |
Dự kiến, Nghị quyết này sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay từ những ngày đầu năm mới. Ngày 18/12 vừa qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp, thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 – Nghị quyết mang tính xương sống, kim chỉ nam cho chỉ đạo, điều hành cả năm 2021, năm khởi đầu của giai đoạn 5 năm tới.
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, ý kiến góp ý của thành viên Chính phủ và các cơ quan liên quan để hoàn thiện và Bộ đang tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo này.
Dự thảo nhận định, năm 2021, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nhất là đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải hàng không.
Ở trong nước, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ cho đầu tư phát triển, phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức.
Do đó, nhiệm vụ của năm 2021 rất nặng nề, vừa phải cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, vừa phải tích cực chuẩn bị các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án,… để triển khai các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội cho cả nhiệm kỳ, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực tối đa, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2021.
11 nhóm giải pháp, 206 nhiệm vụ cụ thể
Trên cơ sở đó, kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, quyết tâm vượt qua mọi trở ngại, thách thức, tận dụng mọi thời cơ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai nhiệm vụ của cả 5 năm, dự thảo Nghị quyết nêu 11 nhóm giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu.
Cùng với đó là các phụ lục, nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu, 87 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021. Đặc biệt, phụ lục số 4 trong dự thảo nêu rõ 206 nhiệm vụ cụ thể, với cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá và mốc thời gian hoàn thành.
Trước ngày 20/1/2021, các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết; trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ (bao gồm nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện), tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì.
Nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện những chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 phù hợp với diễn biến thực tiễn xảy ra trong năm. Các bộ, ngành tổng hợp, phụ trách theo dõi các lĩnh vực kinh tế vĩ mô có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu: Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đưa ‘đổi mới sáng tạo’ vào phương châm hành động
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo dự báo tình hình năm 2021 như dự thảo Nghị quyết, khó khăn và thuận lợi sẽ tiếp tục đan xen. Trong đó, điểm nổi bật nhất là tình hình COVID-19 sẽ tiếp tục và diễn biến khó lường.
“Điều này yêu cầu nhiệm vụ điều hành kinh tế - xã hội 2021 nhìn chung phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, mặc dù với sự tham gia của nhân tố vaccine, đối sách với COVID-19 có thể sẽ có những thay đổi nhất định”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho biết, số liệu về các kết quả của nền kinh tế đạt được năm 2020 sẽ tiếp tục được cập nhật trong những ngày tới để báo cáo Chính phủ và thảo luận tại Hội nghị. Tuy nhiên, các số liệu của 11 tháng và những ngày đầu tháng 12 đều cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế là khá tốt.
Trong phương châm hành động của Chính phủ, bên cạnh kỷ cương, đoàn kết và quyết liệt hành động vẫn là những yếu tố nền tảng, còn có những điểm mới. Trong đó, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để tận dụng được các cơ hội trong những năm tới. Còn khát vọng phát triển là nội dung đã được Hội nghị Trung ương cho ý kiến và Nghị quyết của Chính phủ muốn thể hiện mạnh mẽ khát vọng vươn lên ngay từ năm đầu của chu kỳ kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm.
Về 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đây đều là những vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất trong chỉ đạo, điều hành năm 2021, bao quát toàn diện các lĩnh vực. Trong đó, hai nhiệm vụ đầu (tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp và phòng chống dịch COVID-19) là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của năm 2021.
Riêng về đầu tư công, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên của chu kỳ đầu tư công trung hạn, dự kiến tháng 7/2021, Quốc hội sẽ thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn. Triển khai Nghị quyết 129 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Chính phủ đã hết sức thận trọng, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm phân bổ vốn 2021 đúng quy định, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch đầu tư công và giải ngân ngay từ đầu năm.
Một nhiệm vụ khác, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, phải tăng cường công tác bố trí vốn và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án quan trọng, các dự án hạ tầng quy mô lớn, có tác động lan tỏa, tạo đà cho tăng trưởng, phát triển trong dài hạn. Chính phủ đã lựa chọn một số dự án như vậy để khởi động ngay từ năm 2021 với mục tiêu, khi bước vào kế hoạch trung hạn, các dự này hoàn toàn có đủ điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân trong các năm tiếp theo. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, kết thúc sớm các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ