Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Thủ tướng đặt mục tiêu 8G cho Đồng bằng sông Cửu Long

17:06, 13/03/2021

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thành công về phát triển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ là bước đầu, thời gian tới, vùng đất này cần bổ sung thêm 8 chữ G.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khẳng định trên tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2017, năm thứ 2 của nhiệm kỳ này, Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu lần đầu tiên được tổ chức, để Chính phủ lắng nghe các nhà khoa học và chuyên gia hiến kế các giải pháp về phát triển. Ngay sau đó, Nghị quyết 120 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.

Lần đầu tiên, ĐBSCL có chiến lược phát triển với triết lý "thuận thiên" để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong.

Ba năm qua, cả Chính phủ và chính quyền các địa phương chuyển từ bị động, sang chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bắt đầu từ các quy hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn không cạn thiệp thô bạo vào tự nhiên. 13 tỉnh, thành trong vùng đã được đầu tư 220.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước, chiếm 16% so với cả nước. 5 năm tới, tổng vốn đầu tư công cho các dự án trong vùng sẽ lên tới 388 nghìn tỷ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị lần thứ 2 về huy động thêm 2 tỷ USD cho vùng, đến nay hơn một nửa đã được Ngân hàng Thế giới cam kết cho các dự án xây dựng đường ven biển, hồ chứa nước và giao thông liên tỉnh theo cơ chế cấp phát đặc thù để khép kín toàn bộ tuyến đường ven biển và các công trình phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử và sau hơn 20 năm, vùng đồng bằng với hơn 20 triệu dân được đầu tư lớn như vậy.

Thủ tướng đặt mục tiêu 8G cho Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau 3 năm tập trung phát triển ĐBSCL theo Nghị quyết 120, đã mang lại nhiều kết quả bước đầu, nhưng không được kể công, vì phát triển khu vực này thích ứng với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và trước mắt nhiệm vụ còn rất nặng nề. Vì vậy, trong 8 chữ G mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra, chữ G đầu tiên là giao thông và thủy lợi.

Theo Thủ tướng, dù Nghị quyết 120 với phương châm phát triển là thuận thiên và thích ứng, nhưng không được giao phó cho trời đất, nên thời gian tới cần phải ưu tiên phát triển giao thông và thủy lợi cho ĐBSCL thuận lợi với chi phí thấp làm cơ sở cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chữ G thứ 2 là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, là chìa khóa vàng cho phát triển bền vững, là đáp án cho phát triển ngắn hạn và dài hạn.

Chữ G thứ 3 giang (sông), vì vùng đồng bằng này có nhiều sông nước, kênh rạch gắn với sinh kế, văn hóa và phát triển của vùng nên tới đây cần phát triển kinh tế sông để bổ sung vào Nghị quyết 120.

Chữ G thứ tư là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhất là gắn kết và chia sẻ thách thức giữa các địa phương với nhau thông qua liên kết vùng.

Chữ G thứ 5 là giàu, tức là phải thu hút được người giàu đến đầu tư và làm giàu thông qua xây tổ để đón đại bàng.

Chữ G thứ 6 là giỏi, tức là phải thu hút được những người giỏi trở về và đến làm việc.

Chữ G thứ 7 là già hóa dân số, vì đây là vùng có tốc độ già hóa nhanh nhất cả nước. Vì vậy các địa phương cần phải quan tâm tới vấn đề già hóa dân số và an sinh xã hội.

Chữ G thứ 8 là giới, tức là thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em gái, phụ nữ ở ĐBSCL được tiếp cận giáo dục và việc làm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 8G này là những vấn đề còn thiếu trong Nghị quyết 120, vì thế tới đây các bộ, ngành cần nghiên cứu để đưa vào Nghị quyết này. Còn thời gian tới, Đối thoại 2045 do Thủ tướng khởi xướng mới đây sẽ được tổ chức để các nhà khoa học tiếp tục hiến kế các giải pháp cho phát triển vùng đồng bằng này bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc