Cách đây một năm, ngày 11/3/2020, sau nhiều lần cân nhắc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố COVID-19 là "đại dịch toàn cầu".
Cả thế giới đã phải ứng phó với đại dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua (Ảnh: AP)
Kể từ thời điểm đó, có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến cụm từ "đại dịch" (pandemic) được các phương tiện thông tin và người dân sử dụng nhiều đến như vậy. Trong hơn một năm qua, COVID-19 đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới và buộc con người phải thay đổi cách nhìn nhận, cần hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn, thay đổi hành vi, tránh gặp gỡ, tụ tập đông người, nâng cao tinh thần tự cách ly…
COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới đứng chung một chiến tuyến
Khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đầu tháng 12/2019, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã làm thế giới "chao đảo" bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan "siêu nhanh" của nó. Từ tâm dịch Vũ Hán, virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lây lan và đến nay đã xuất hiện ở hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 117,7 triệu ca nhiễm và 2,6 triệu trường hợp tử vong. COVID-19 là dịch bệnh không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Những nguyên thủ như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro… đều không miễn nhiễm. Sau Trung Quốc, "tâm dịch" thế giới còn gọi tên cả những nước khác như Italy, Tây Ban Nha, Anh ở châu Âu, rồi Iran, Ấn Độ ở châu Á, Brazil, Mexico ở châu Mỹ. Siêu cường hàng đầu thế giới Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của COVID-19.
Cú sốc COVID-19 cũng đã buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) ngày 30/1/2020, rồi sau đó xác nhận đây là "đại dịch toàn cầu" vào ngày 11/3/2020.
Website của WHO xác định "đại dịch toàn cầu" là "sự lây lan trên toàn thế giới của một dịch bệnh mới". Ở thời điểm đó, việc WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu sau 3 tháng kể từ khi căn bệnh này xuất hiện đã phản ánh khả năng lây lan virus trên diện rộng về mặt địa lý khiến WHO lo ngại và mục đích của WHO là mong muốn tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.
Trước khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch, WHO đã phải cân nhắc khá thận trọng bởi trong quá khứ đã có những tranh cãi về việc tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 gây ra tình trạng hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và khiến nhiều nước phải bội chi để mua thuốc kháng virus. Chính vì vậy, khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã nhấn mạnh rằng mục đích chính của việc công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức, chứ không phải để dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên toàn cầu. Theo ông, việc tuyên bố COVID-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO đối với mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, không làm thay đổi những gì tổ chức đang làm và điều này đồng nghĩa các quốc gia cần phải hành động ngay.
Bởi vậy, khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch chính là gửi một thông điệp đến mọi người trên toàn thế giới rằng: tất cả chúng ta đang đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy đại dịch COVID-19 không phải là vấn đề của một vài quốc gia hay một số người mà đại dịch đã là một vấn đề toàn cầu và hơn bao giờ hết, các quốc gia cần làm việc cũng như hợp tác cùng nhau để đối phó với vấn đề chung này.
Bài học về sự chung tay của cộng đồng để đối phó với đại dịch
Trước đại dịch COVID-19, thế giới cũng đã trải qua hàng chục đại dịch nguy hiểm, tàn khốc khác. Điển hình các đại dịch như: dịch hạch Justinian (541-750 sau Công nguyên), cướp đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người, chiếm một nửa dân số thế giới lúc bấy giờ và là lần đầu tiên xảy ra đối với loài người; dịch hạch "Cái chết đen" xảy ra vào thế kỷ XIV khiến trên 75 triệu người phải bỏ mạng; bệnh đậu mùa thế kỷ XV-XVII làm khoảng 20 triệu người chết, chiếm gần 90% số dân bản địa châu Mỹ khi đó; đại dịch tả lần đầu tiên được giới y học ghi nhận vào năm 1563 tại Ấn Độ, sau đó lan ra thế giới làm hàng chục triệu người tử vong; đại dịch cúm: Tây Ban Nha (1918), Hong Kong (1968) làm khoảng 1 triệu người chết; dịch bệnh HIV/AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch) được ghi nhận đầu tiên vào năm 1981, có khoảng 75 triệu người nhiễm bệnh, 32 triệu người chết, và đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của nhân loại. Gần đây là dịch SARS (2003), dịch cúm H1N1 (đầu năm 2019) làm hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người chết…
Giờ đấy, đối mặt với đại dịch COVID-19, trong hơn 1 năm qua, không thể phủ nhận những nỗ lực rất lớn của toàn thế giới trong việc đối phó với đại dịch này. Bên cạnh những biện pháp phòng dịch, nhiều nước có nền y học hiện đại đã nỗ lực không ngừng chạy đua với thời gian để nhanh chóng giải mã thành công bộ gien virus corona chủng mới, từ đó đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc đặc trị.
Cho đến nay, hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và khoảng 200 triệu liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới. Nhiều loại vaccine đã cho thấy hiệu quả cao như vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức), AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh)…
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) cũng là một nỗ lực rất lớn trong một năm qua của cộng đồng quốc tế. COVAX do WHO đứng đầu cùng với sự tham gia của các tổ chức khác gồm Liên minh vaccine (GAVI), Liên minh Sáng kiến và Chuẩn bị Phòng dịch (CEPI), đã phân phối được hơn 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đến 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi. Trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đang chạy đua để giành được những hợp đồng mua vaccine thì COVAX được xem như "cứu tinh" của các nước nghèo trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Hơn 1 năm chống chọi với COVID-19, thế giới hiện đang tràn đầy hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc nhờ kết hợp tiêm chủng vaccine và các biện pháp y tế cộng đồng khác đã chứng tỏ hiệu quả, cùng với tinh thần "chung sức, đồng lòng", không để ai bị lãng quên. Dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19.
Tuy nhiên, hiện vẫn là lúc các quốc gia không được phép lơ là và phải hợp tác cùng nhau để đẩy lùi đại dịch. Theo các chuyên gia, kể cả khi đại dịch COVID-19 qua đi thì nó vẫn gióng lên "hồi chuông" cảnh tỉnh thế giới về tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Bởi lẽ dịch bệnh truyền nhiễm có thể trở thành mối hiểm họa "giết người hàng loạt" đe dọa đến sự sống của cả nhân loại. Theo kết quả điều tra dịch tễ học, trong thế giới đương đại, số ca nhiễm từ những bệnh truyền nhiễm mới, như: SARS, HIV, virus Ebola và COVID-19 tăng gấp 4 lần so với thế kỷ trước; từ năm 1980, số vụ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát mỗi năm gần như tăng gấp 3 lần.
Vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm, cách tốt nhất vẫn là giữ vệ sinh tay, khử trùng mọi bề mặt có nguy cơ lây nhiễm, đeo khẩu trang cũng như đứng cách xa nhau khi giao tiếp xã hội hay tránh để tay chạm vào các bộ phận trên mặt như mắt, mũi, miệng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi mỗi quốc gia, mỗi cá nhân cần chủ động và tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ, giãn cách xã hội, tuân thủ các khuyến cáo vệ sinh dịch tễ, tăng cường xét nghiệm phát hiện và khoanh vùng sớm các ca bệnh, truy dấu tiếp xúc để đảm bảo không bỏ sót các ca mắc và chuẩn bị các phương tiện điều trị thích hợp. WHO khẳng định "không bao giờ là quá muộn" để đảo ngược tình hình, điều quan trọng là duy trì các nỗ lực phòng chống và ứng phó bền vững ở tất cả các cấp, từ cộng đồng, quốc gia, khu vực và trên toàn cầu với tinh thần đoàn kết.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc