Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Tiếp tục xây dựng một đề án mới về xây dựng hai Trường Đại học luật ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trường Đại học trọng điểm, đào tạo chức danh tư pháp, cán bộ ngành luật".
Sáng 29/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã họp Phiên thứ 12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”.
Cùng dự Phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Dự phiên họp còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, sau hơn 7 năm thực hiện, Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt; từng bước mở rộng quy mô đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, chất lượng được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập được quan tâm đầu tư trọng điểm. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra; chất lượng đào tạo chưa có chuyển biến mang tính đột phá so với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao…
Việc thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” cũng có những bước phát triển mới cả về quy mô đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và cơ hữu. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đặt ra mới chỉ ở mức trên trung bình; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Học viện chưa cao.
Ban Chỉ đạo cũng tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”, nhất là trong bối cảnh các trường tự chủ, việc đào tạo cử nhân luật theo nhu cầu thị trường, có sự cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở đào tạo luật hiện nay, cả nước hiện có đến 95 cơ sở đào tạo luật. Tuy nhiên, Đề án chưa có những giải pháp mang tính đột phá để giải quyết những bất cập đang nổi lên trong đào tạo cử nhân luật thời gian qua.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc triển khai các 2 Đề án: “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã có nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo và xây dựng được thương hiệu, uy tín của các trường trong lĩnh vực đào tạo pháp lý, các chức danh tư pháp.
Song, việc thực hiện 2 Đề án cũng còn tồn tại, hạn chế, trong đó, một số lĩnh vực chưa đạt được mục tiêu đề ra. Một số chức danh tư pháp chưa được đặt vấn đề đào tạo; vấn đề đạo đức, phẩm chất các chức danh tư pháp chưa thực sự được quan tâm đúng mức trong quá trình đào tạo….
Tán thành ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục thực hiện 2 Đề án này, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đối với các cơ sở đào tạo: "Tiếp tục xây dựng một đề án mới về xây dựng hai Trường Đại học luật ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trường Đại học trọng điểm, đào tạo chức danh tư pháp, cán bộ ngành luật; tiếp tục phát triển Học viện Tư pháp để đào tạo nghề cho lĩnh vực tư pháp, trong đó có nhiều ngành nghề chưa đào tạo. Chính vì vậy phiên họp này nhất trí tiếp tục hoàn thiện các đề án với đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn trong bối cảnh và yêu cầu mới. Từ đó các bộ chức năng đề xuất với Thủ tướng ban hành quyết định mới với mục tiêu cao hơn, chiến lược hơn. Trong đó Đề án 2 trường đại học luật và Học viện tư pháp thì tiếp thu, hoàn thiện. Còn đề án về tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật thì phải làm lại cho đạt yêu cầu."
Theo đó, Chủ tịch nước chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hoàn thiện Đề án Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trả lời câu hỏi khi nào sắp xếp cơ bản lại đối với 95 cơ sở đào tạo luật. Cần chấm dứt ngay các cơ sở không đủ chất lượng và đặc biệt không cho tuyển sinh thêm trong đối với các cơ sở không đáp ứng các tiêu chí cần thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm việc khẩn trương, quyết liệt với tinh thần cách mạng tiến công, nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước. Đồng thời Bộ cần trả lời câu hỏi khi nào ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, giáo án, giáo trình. Đây là các chuẩn tối thiểu để các trường căn cứ vào đó tự quyết định chuẩn của mình và trả lời câu hỏi trong số 95 cơ sở đào tạo luật ấy có bao nhiêu cơ sở phải đóng cửa do không đạt yêu cầu."
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cũng yêu cầu quá trình đào tạo phải chú ý đến phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy và học tập tại Đại học luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Học viên Tư pháp, sao cho đảm bảo hình thành nguồn nhân lực phát triển ngành tư pháp trong sạch, lành mạnh, có chất lượng cao. Đi liền với đó là đẩy mạnh hơn nữa mô hình đào tạo theo hướng: Nhà nước đưa ra các tiêu chí đào tạo đi đôi với kiểm định chất lượng chặt chẽ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương chung là Đảng, Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cho hoạt động đào tạo pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Do đó, quan điểm định hướng là tiếp tục xây dựng hai Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các cơ sở trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp của cả nước và phục vụ tốt hơn các nhu cầu của xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch nước đề nghị, quá trình thực hiện cần chú ý đến việc hoàn thiện thể chế cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo này phát triển quy mô, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh phối hợp giữa hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát để phát huy kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ giảng viên, hoạt động thực tế của các chức danh tư pháp và hoạt động pháp luật trong thực tiễn./.
Nguồn: VOV.VN
Ý kiến bạn đọc