Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị để kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 17/5. Ảnh: TTXVN
Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nêu, từ ngày 27/4/2021, từ khi có đợt dịch thứ 4, đến ngày 19/5, cả nước đã ghi nhận 1.539 ca mắc mới trong cộng đồng tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây là đợt dịch có diễn biến phức tạp, khó lường, do chủng mới của virus có độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh và khó chữa trị; đặc biệt, đợt dịch này đã lây lan tại một số khu công nghiệp tập trung đông công nhân (ta chưa có kinh nghiệm đối phó với dịch tại các khu công nghiệp).
Dịch bệnh xảy ra trong thời điểm chuẩn bị và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong bối cảnh dịch bệnh tại các nước trong khu vực vẫn tăng cao, nhất là tại Campuchia, Lào và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước ngoài, Việt kiều tăng cao, gây áp lực lớn đối với công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Đợt dịch này có nhiều nguyên nhân gồm:
- Nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh; quản lý nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn nhập cảnh trái phép, quản lý cư trú, kiểm soát và xử lý cư trú trái phép chưa chặt chẽ, còn có sơ hở.
- Tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (kể cả cơ quan, đơn vị của Nhà nước) và một bộ phận nhân dân; quản lý cách ly người nhập cảnh, theo dõi y tế sau cách ly thiếu chặt chẽ, sơ hở, chủ quan.
- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm đầy đủ yêu cầu 4 tại chỗ; tại các địa phương, đơn vị chưa có dịch bệnh nên chưa có kinh nghiệm, còn chậm trễ, lúng túng, bị động ứng phó khi có dịch.
- Một số quy định, quy chế quản lý nhà nước về phòng, chống dịch còn bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ, chưa sát thực tế.
Nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, tại các cấp, các ngành, của các cấp ủy, chính quyền đều được tiến hành cơ bản đồng bộ, kịp thời, đúng hướng, quyết liệt; trong đó đã bám sát, đánh giá đúng tình hình, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, phân công, phân cấp rõ ràng, áp dụng các biện pháp phù hợp, khen thưởng và kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo vẫn còn có hiện tượng lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, cần kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, xử lý và nhanh chóng khắc phục.
Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ cao lây lan ra cả nước, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ quan chức năng, trong đó có Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, và các bộ, ngành liên quan đã kịp thời, quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trên phạm vi cả nước.
Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành đã có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện kịp thời, minh bạch, tích cực không chỉ trong hệ thống các cơ quan báo chí của nhà nước mà còn qua các nền tảng khác và phương tiện thông tin xã hội.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch đã thu hút, huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân, được tuyệt đại đa số nhân dân tin tưởng, ủng hộ, tự giác và có trách nhiệm thực hiện. Đây là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân tố có ý nghĩa chiến lược, quyết định đến thắng lợi của công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cá biệt có một số người thiếu tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch để xảy ra hậu quả, cần phải xem xét, xử lý theo pháp luật.
Đến giờ này, dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước và từng bước kiểm soát tại các tỉnh đang có dịch; chưa phát hiện việc phát sinh các ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây. Các ca mắc mới trong cộng đồng được ghi nhận vừa qua đều xuất phát từ các ổ dịch hiện có, trong các khu vực phong tỏa, cách ly và được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều chỉ số phát triển kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục có kết quả tích cực.
Việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang được tiến hành đúng tiến độ, bảo đảm quy trình, quy định của pháp luật và an toàn; việc kết thúc năm học 2020-2021 có diễn tiến thuận lợi.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp, diễn biến nhanh, khó lường, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu vẫn để tiếp diễn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của một số địa phương, cơ quan, đơn vị và một bộ phận nhân dân.
Để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, khẩn trương hơn nữa của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hiệu quả của toàn dân với tư tưởng chỉ đạo là thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, các lưu ý của Chủ tịch nước và các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Về cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch đã được xác định đầy đủ, rõ ràng. Trước diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Quang cảnh cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 17/5. Ảnh: TTXVN
* Tránh đồng thời cả hai khuynh hướng
Trong đó, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt các mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo kiên trì và cương quyết thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và các quy định của pháp luật, kết thúc năm học 2020-2021 an toàn; quyết liệt thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, coi sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Hết sức tránh đồng thời cả hai khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác (nhất là khi không có dịch); hốt hoảng, hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch bệnh.
Chống dịch như chống giặc; kế thừa kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm tốt có hiệu quả từ 3 đợt dịch trước.
Đồng thời, nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện tốt việc kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính; phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định.
Tấn công là thực hiện tốt yêu cầu 5K + vaccine; xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng (cần tích cực huy động các nguồn lực để tăng năng lực xét nghiệm, bảo đảm yêu cầu xét nghiệm nhanh, chính xác, hiệu quả); thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine (tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, tổ chức tiêm vaccine hiệu quả và an toàn); tăng cường ứng dụng công nghệ bắt buộc trong các hoạt động truy vết, cách ly, xét nghiệm...; đẩy mạnh chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm... theo phương châm 4 tại chỗ và phù hợp các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; thực hiện phân công, phân cấp, ủy quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra tích cực, hiệu quả.
* Từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình
Trên tinh thần đó, từng địa phương phải tích cực rà soát các phương án phòng, chống dịch, nắm chắc và cập nhật tình hình, dự báo chính xác, có kế hoạch cụ thể, khả thi, chặt chẽ, bảo đảm chủ động phòng, chống dịch trong mọi tình huống. Cấp tỉnh phải chủ động lo cho cấp tỉnh, cấp huyện phải chủ động lo cho cấp huyện, cấp xã lo cho cấp xã, thôn, bản, ấp, tổ dân phố cũng phải tự lo cho mình.
Từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, và vì sức khỏe của cộng đồng, góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị và góp phần bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Các ngành, các cấp, các địa phương chú trọng kêu gọi, huy động nhân dân tham gia, hợp tác, ủng hộ và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; có cơ chế, chính sách kêu gọi sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp đối với công tác phòng, chống dịch, nhất là việc kêu gọi đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp trong việc đóng góp tài chính cho việc mua vaccine.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải bình tĩnh, chủ động, tích cực thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch theo thẩm quyền được giao.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng rút kinh nghiệm từ thực tiễn dịch bệnh tại một số doanh nghiệp, khu công nghiệp, khẩn trương rà soát, có phương án và triển khai nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền kịp thời, khách quan về phòng, chống dịch bệnh, chú trọng giải thích, phân tích để nhân dân hiểu về các biện pháp phòng, chống dịch, việc tiêm vaccine, sự cố có thể xảy ra khi tiêm vaccine, không gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong xã hội, tăng cường thông tin theo tinh thần "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu", truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho nhân dân tự giác, hăng hái, tích cực thực hiện phòng, chống dịch.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo đài chỉ đạo tăng cường thông tin về phòng, chống dịch bệnh, tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; trước khi quảng cáo cần có thông tin về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc truyền cảm hứng, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện yêu cầu 5K, tiêm vaccine (5K + vaccine)...
* Vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong giãn cách
Về áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, Thủ tướng chỉ đạo các quy định về giãn cách xã hội đã đầy đủ, cụ thể (nếu cần rút kinh nghiệm, rà soát bổ sung thêm trong quá trình thực hiện). Bộ Y tế, các địa phương căn cứ vào quy định, chủ động bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, quyết định theo thẩm quyền được giao, vượt quá thẩm quyền báo cáo cấp trên trực tiếp, bảo đảm hiệu quả, đặc biệt xử lý hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; lưu ý thông tin kịp thời, minh bạch, rõ ràng để nhân dân yên tâm.
Bộ Công Thương rà soát, chủ động chuẩn bị phương án (kể cả phương án cho tình huống xấu nhất) về bảo đảm cung ứng hàng hóa, vật tư y tế, nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt là tại vùng có dịch bệnh.
Về Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện: Giao Bộ Y tế chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học, đúng thẩm quyền của Chính phủ và sớm nhất có thể trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về mua vaccine đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị Đề án chung về nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện, xin ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định, chậm nhất vào cuối tháng 5/2021.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc