Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, nhấn mạnh tinh thần này tại cuộc họp của BCĐ, tại Trụ sở Chính phủ, sáng 24/6.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện chương trình ngay từ tháng 10/2021. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cơ bản thống nhất với ý kiến của các thành viên BCĐ và đánh giá cao Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị nội dung cho cuộc họp. BCĐ Trung ương đã thực hiện tốt công tác điều phối hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong tổ chức triển khai kế hoạch đề ra.
Về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện chương trình ngay từ tháng 10/2021, trong đó tập trung triển khai một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, trọng tâm là Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình và tỉ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương tham gia thực hiện chương trình.
Hai là, xây dựng Kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện chương trình giai đoạn 5 năm và năm 2021 theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp để khuyến khích, huy động thêm các nguồn lực từ quốc tế và xã hội để thực hiện chương trình trên cơ sở các quy định pháp luật cụ thể, trách nhiệm rõ ràng, quản lý chặt chẽ về tài nguyên, môi trường, đất đai…
Ba là, khẩn trương kiện toàn bộ máy BCĐ và cơ quan giúp việc BCĐ thực hiện chương trình ở cấp tỉnh bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức tham gia thực hiện chương trình; kịp thời tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; phổ biến, giới thiệu các mô hình tốt, kinh nghiệm hay để áp dụng điểm trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước nhân rộng ra toàn vùng.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
“Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, góp vốn đầu tư công là ‘vốn mồi’ để kêu gọi đầu tư toàn xã hội. Có cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, đào tạo nghề cho phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Các ngân hàng tích cực vào cuộc để cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các ban, ngành để chương trình này thực sự hiệu quả, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng cao”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành là thành viên của BCĐ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tăng cường phối hợp với Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì, điều phối chương trình mục tiêu quốc gia trong việc tham mưu và trình các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình.
Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Nội vụ, thay mặt BCĐ Trung ương khẩn trương hướng dẫn để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành giúp chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn theo nguyên tắc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không làm tăng đầu mối trung gian, không tăng biên chế, phù hợp tình hình thực tiễn của từng địa phương.
“Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi đóng một vai trò vô cùng lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành thành viên BCĐ Trung ương, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan liên quan phải nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, phấn đấu thực hiện ngay từ đầu quý IV/2021, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân tộc.
Nguồn: Báo Chính phủ
Ý kiến bạn đọc