Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

08:35, 27/07/2021

Phiên thảo luận của Quốc hội về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 ngày 27/7.

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Quốc hội thảo luận về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

Sáng 27/7, theo chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Từ 9h50, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên thảo luận của Quốc hội về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 ngày 27/7.

Trước đó, ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Theo đó, Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành với đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình. Tuy nhiên, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu sau khi Chương trình kết thúc để đánh giá tính bền vững của Chương trình.

Bên cạnh đó, hiện chưa có số liệu cụ thể về tình trạng nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nên khó xác định chính xác mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Ủy ban Xã hội đề nghị, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ trước khi quyết định Chương trình cần khẩn trương tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh theo hướng: Các mục tiêu cụ thể cần định lượng được kết quả thực hiện, hiện có đến 7/8 mục tiêu cụ thể chưa định lượng được, đồng thời bổ sung các chỉ tiêu để đo lường được hết các mục tiêu cụ thể; đảm bảo không có sự trùng lặp giữa các chỉ tiêu. Bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu "Phấn đấu giảm 1/2 số hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia". Các mục tiêu, chỉ tiêu cần có số liệu phân tách giới để có cơ sở đánh giá kết quả việc lồng ghép giới trong Chương trình.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2016 - 2021 Lê Minh Hoan trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Ủy ban Kinh tế đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian vừa qua. Qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện. Đến hết năm 2020, cả nước có 62,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016 - 2020 trước 2 năm; đã có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025 sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, nhưng các quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch đang trong quá trình lập, chưa được phê duyệt nên thiếu căn cứ để đánh giá. Đề nghị Chính phủ rà soát, cập nhật để bảo đảm sự tương thích, phù hợp. Đồng thời, trong quá trình lập quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh cần chú ý gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Từ 17h00, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.

Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016 - 2021 Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016 - 2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP....

TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016 - 2021 Nguyễn Chí Dũng

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đánh giá các chỉ tiêu hằng năm cần phấn đấu đạt cao hơn; đề nghị trong điều hành cần quan tâm một số chỉ tiêu cụ thể: môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chi phí logistics, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, tỷ lệ nội địa hóa. Báo cáo rõ về phương pháp xác định đối với chỉ tiêu kinh tế số so với GDP.

Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần có các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Cụ thể, Ủy ban thẩm tra cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như đã nêu, đề nghị Chính phủ quán triệt bám sát Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, theo Tờ trình, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sau khi điều chỉnh, bổ sung như sau: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) thông qua 1 dự thảo Nghị quyết; Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) thông qua 1 dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp; cho ý kiến 5 dự án luật khác.

Về dự kiến Chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 5 dự án luật khác.

Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 2 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, đề xuất thêm nhiều biện pháp để tiếp tục đổi mới phương pháp xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc