6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 316 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng hơn 28%, nhập khẩu tăng hơn 36%.
Mức tăng trưởng 2 con số này được đánh giá là rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Hai nhóm hàng xuất khẩu chính là công nghiệp và nông sản đều tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu hàng dệt may và giày dép đã phục hồi rõ nét.
Tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty May 10 trong nửa đầu năm nay đã thay đổi hoàn toàn theo hướng ngược lại so với dự tính trước đó. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng tới 40% so với năng lực sản xuất của đơn vị. Năm ngoái, doanh nghiệp lo không có đơn hàng, còn bây giờ lại lo sản xuất không kịp đơn hàng.
"Hiện nay, phí đầu vào của doanh nghiệp đang tăng lên. Thứ nhất là do nguyên phụ liệu đầu vào, thứ hai là chi phí mà chúng tôi phải bỏ ra để phòng chống dịch cho người lao động và thứ ba là chi phí về tiền lương để chúng tôi có thể tăng lương hỗ trợ, khuyến khích người lao động hoàn thành các đơn hàng tăng thêm", Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết.
Xuất khẩu hàng dệt may và giày dép đã phục hồi rõ nét. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Ngành da giày cũng gặp những bài toán tương tự. 6 tháng đầu năm nay, ngành này tăng trưởng tương đương với thời kỳ chưa có dịch bệnh. Thế nhưng kết quả này có duy trì được đến cuối năm hay không, phụ thuộc rất lớn vào khả năng chống dịch của mỗi doanh nghiệp.
"Nếu chúng ta không ổn định được lực lượng lao động để triển khai đơn hàng thì nó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ. Nếu không đáp ứng được tiến độ giao hàng thì các doanh nghiệp sẽ tổn thất cực kỳ to lớn", Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân nhận định.
Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá là vậy, thế nhưng nửa đầu năm nay, cả nước lại nhập siêu 1,47 tỷ USD, lần đâu tiên sau thời gian dài luôn duy trì xuất siêu. Nguyên nhân được ngành Công Thương xác định là do ảnh hưởng của dịch bệnh và đặc biệt là do các doanh nghiệp đang tích cực nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất từ nay đến cuối năm.
"Bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi. Vì chúng ta vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Những yếu tố như giá hay việc tăng nhập khẩu nguyên liệu có tính chất là tạm thời trong một giai đoạn nhất định. Qua giai đoạn này, chúng ta có thể duy trì được cán cân thuơng mại và có thể trở lại xuất siêu", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay.
Cũng theo Bộ Công Thương, để xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng từ nay tới cuối năm, việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho lực lượng sản xuất là tối quan trọng, nhất là tốc độ triển khai tiêm vaccine. Đây cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc