Tiễn 300 cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Ðức lên đường tiếp sức cho TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TRẦN HẢI
Trong khoảng 20 ngày qua, số người mắc mới Covid-19 luôn dao động ở mức từ 5.000 đến trên 9.000 ca/ngày và chưa có dấu hiệu giảm. Ðến 18 giờ ngày 7/8 số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam đã vượt mốc 200 nghìn trường hợp. Ðiều đó cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 còn kéo dài, đòi hỏi các giải pháp ứng phó cần quyết liệt hơn và không chỉ ở những điểm nóng.
Tập trung điều trị, hạn chế tử vong
Do biến thể Delta của vi-rút SARS-CoV-2 đã làm cho khả năng lây lan dịch Covid-19 ở đợt thứ tư này rất cao. Trong 103 ngày đợt dịch này, số ca mắc Covid-19 tăng từ 2.852 (ba đợt dịch trước cộng lại) lên 200.715 trường hợp, trong đó TP Hồ Chí Minh có gần 118 nghìn ca mắc, sau đó đến Bình Dương, Ðồng Nai, Tiền Giang... Cả nước đã có hơn 3.000 người chết liên quan đến Covid-19. Ðể ứng phó với đợt dịch này, nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn so với các đợt dịch trước đã được triển khai, bao gồm giãn cách xã hội tại nhiều địa phương; một số tỉnh, thành phố còn áp dụng hình thức bổ sung gần như giới nghiêm, không cho phép người dân ra ngoài trong một số khung giờ nhất định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Mặc dù đã có 66.637 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nhưng do số ca mắc gia tăng nhanh trong thời gian ngắn với nhiều bệnh nhân nặng đã gây áp lực lớn cho y tế, đặc biệt trong công tác điều trị và hồi sức tích cực (ICU). Giải quyết tình trạng này, song song với việc hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện phân tầng điều trị theo tình trạng bệnh, Bộ Y tế đã thành lập hơn 10 trung tâm ICU tại các tỉnh phía nam do các bệnh viện Trung ương đảm nhiệm, với các chuyên gia hàng đầu được tăng cường giúp địa phương chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả. Riêng tâm dịch TP Hồ Chí Minh có năm trung tâm với công suất 2.700 giường ICU. Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Y tế mới đây, Tiến sĩ Kidong-Park, Trưởng dại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá các ứng phó của Việt Nam đã "đi đúng hướng" trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc khẩn trương thành lập các trung tâm ICU tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam để điều trị cho người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.
Ngày 7/8, Bộ Y tế tổ chức khánh thành và bàn giao ba Trung tâm hồi sức tích cực phòng, chống Covid-19 cho ba bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Ðức và T.Ư Huế. Trên cơ sở bộ khung của các bệnh viện nhận bàn giao và sự bổ sung các lực lượng từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tập trung về đây để cùng nhau chung sức ngăn chặn, chấm dứt dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương khu vực phía nam nói chung.
Trong khi đó, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh sau gần một tháng đi vào hoạt động đã cứu chữa được rất nhiều người mắc Covid-19 nặng. Có hơn 200 trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch được "chuyển độ" sang cấp độ nhẹ hơn và chuyển xuống điều trị ở tuyến dưới theo phân tầng điều trị. Với gần 60% số người bệnh tại đây là các trường hợp nặng, nguy kịch, thì việc "chuyển độ" thành công sẽ có cơ hội cứu sống được nhiều người bệnh nặng. Khi được chuyển độ, người bệnh được chuyển về các bệnh viện thuộc các tầng điều trị thấp hơn, đồng thời nhận các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch từ bệnh viện ở tầng dưới chuyển lên.
Từ kinh nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động, sẵn sàng công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong mọi tình huống… nhất là số ca mắc Covid-19 mới đang có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Theo đó, các địa phương thực hiện phương án điều trị theo mô hình tháp ba tầng, để tối ưu hóa các cơ sở y tế, nhân lực, và trang thiết bị. Ðối với các bệnh viện tham gia Ðề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng" cần triển khai ngay kết nối Tele-health giữa các khoa/phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện; các bệnh viện được giao nhiệm vụ trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời. Mặt khác, các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 tuyến dưới bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất nhanh, số người bệnh Covid-19 nặng có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở đào tạo khẩn trương đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực theo Ðề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng".
Tăng độ bao phủ của vắc-xin
Bộ Y tế nhận định, dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài, chỉ có 2 trong số 62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới; có 12 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát. Chính vì vậy, việc ứng phó với dịch cũng cần phù hợp thực tế. Những địa phương có ít ca mắc hoặc mới xuất hiện vẫn cần tập trung lực lượng để xét nghiệm, truy vết để phát hiện, ngăn chặn dịch. Còn những địa phương có nhiều ca mắc, dịch lây lan diện rộng thì cần có những giải pháp hạn chế sự lây lan đồng thời tập trung công tác điều trị.
Nếu như tăng cường điều trị để giải quyết vấn đề trước mắt thì rõ ràng vắc-xin là bài toán lâu dài trong ứng phó dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Y tế đã huy động lực lượng nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 7/8 cả nước tiêm được hơn 8,5 triệu liều vắc-xin. Tuy nhiên số lượng tiêm chưa bằng 50% tổng lượng vắc-xin đã nhập về. Do vậy việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin là rất cần thiết để tăng độ bao phủ vắc-xin.
Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; yêu cầu đến ngày 10/8, nếu đơn vị nào chậm triển khai tiêm vắc-xin, Bộ Y tế sẽ công bố công khai kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ; điều phối vắc-xin cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vắc-xin trong các đợt tiếp theo. Ðáng chú ý, theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, đến nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa đến nhận vắc-xin tại kho của các Viện này. Do vậy, tại Công văn số 6363/BYT-DP ngày 6/8, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiếp nhận vắc-xin phòng Covid-19 theo quyết định phân bổ vắc-xin từ đợt 8 đến 13 của Bộ Y tế trước ngày 8/8. Nếu sau ngày 8/8, đơn vị không đến nhận vắc-xin thì Bộ Y tế sẽ điều chuyển vắc-xin cho đơn vị khác và xem xét việc phân bổ trong các đợt tiếp theo. Ðối với vắc-xin có yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo hướng dẫn của nhà sản xuất mà đơn vị chưa bố trí ngay được trang thiết bị phù hợp thì phải phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để nhận vắc-xin đúng thời điểm, không để phải hủy vắc-xin do bảo quản không đúng. Sau khi tiếp nhận vắc-xin phải khẩn trương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 và Quyết định 3355/QÐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022.
Bộ Y tế đàm phán mua, tiêm vắc-xin do 4 hiệp hội đề xuất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Y tế tổ chức đàm phán ngay với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo đề xuất của 4 hiệp hội. Vừa qua, 4 hiệp hội: Da - giày - túi xách Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc-xin để tiêm cho người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất, vừa chống dịch. Các Hiệp hội cho biết, đã chủ động tìm nguồn cung vắc-xin từ một tập đoàn tại UAE; kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với đối tác hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện tiêm chủng cho người lao động. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.
Nguồn: Nhân dân
Ý kiến bạn đọc