Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư

11:13, 17/09/2021

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng không chỉ có ý nghĩa thiết thực dành cho các cơ quan, đơn vị này mà còn mang tầm chiến lược, chỉ đạo toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta hiện thực hóa đường lối của Ðảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Trong đó, nhiều nội dung về đoàn kết, giữ vững kỷ luật, kỷ cương,... thêm lần nữa được phân tích sâu sắc hơn, như một thông điệp gửi đến các tổ chức đảng, lời nhắn nhủ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Sau Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều bài viết, bài phát biểu quan trọng, như tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới; Hội nghị triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức,... Ðặc biệt là bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được các cơ quan báo chí đăng tải vào trung tuần tháng 5/2021 và sau đó có hàng trăm bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị tư tưởng, ý nghĩa và tính lý luận sắc bén, thuyết phục của bài viết. Các bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư; các hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết với quy mô, phạm vi lớn như vừa qua là một phương thức mới, cách làm bài bản, khoa học và sáng tạo, thể hiện quyết tâm biến Nghị quyết thành hiện thực.

Ðoàn kết để nhân lên sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Một trong những nội dung xuyên suốt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư là, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội, nhất là trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, hơn bao giờ hết, phải phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; chú trọng hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, siết chặt kỷ cương phép nước. Trước mỗi nhiệm vụ mới nặng nề, hay khó khăn, thách thức, trước mỗi vấn đề phức tạp nảy sinh, hoặc còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, nếu biết đoàn kết cùng thảo luận để đi đến thống nhất ý chí và hành động thì nhiệm vụ nặng nề đến mấy cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết êm xuôi, tốt đẹp. Trong các bài viết, phát biểu, người lãnh đạo cao nhất của Ðảng đều phân tích sâu sắc những nội dung quan trọng này và khẳng định "đoàn kết" là giá trị cốt lõi và "đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam".

Cho rằng nhiệm vụ công tác nội chính khó khăn, phức tạp, thường xuyên đụng chạm đến lợi ích, đến con người, và lợi ích ở đây là "lợi ích nhóm", chằng chịt với nhau, Tổng Bí thư yêu cầu "các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp rất chặt chẽ, rất nhịp nhàng và thống nhất với nhau và với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan;… giữa giám sát của Ðảng với giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác; tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả".

Tinh thần đoàn kết mà Tổng Bí thư phân tích là đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðoàn kết phải đi đôi với tự phê bình và phê bình, giúp nhau cùng tiến bộ, nhất là trước mỗi vấn đề đặt ra. Theo Tổng Bí thư, mọi vướng mắc phải được bàn bạc, giải quyết triệt để, thấu đáo, hợp lý, hợp tình, có sức thuyết phục, trên tinh thần đồng chí, anh em, tuân thủ pháp luật và quy định của Ðảng. Ðoàn kết là để muôn người chung một ý chí, nhân lên sức mạnh của cả dân tộc, cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện đường lối của Ðảng.

Ðoàn kết phải gắn với kỷ cương, phép nước

Luôn đề cao vai trò của đoàn kết thống nhất, đồng thời cho rằng, "phải trái phân minh", "nghĩa tình trọn vẹn"; không được "dĩ hòa vi quý", tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, ngày 11/8/2021, Tổng Bí thư đề nghị: "Các đề xuất đổi mới đúng đắn, hợp lý phải được cấp ủy, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền; cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì sai thì phải kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, sửa chữa, rút kinh nghiệm".

Trong tiến trình đổi mới đất nước, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, luôn có những khó khăn, thách thức mới. Vì vậy càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất theo nguyên tắc hoạt động của Ðảng, đấu tranh bảo vệ cái mới tiến bộ, ngăn ngừa mọi tiêu cực, chia rẽ, nguy cơ chệch hướng để đi đến đoàn kết, thống nhất và muốn đoàn kết thống nhất thật sự phải có đấu tranh với động cơ trong sáng, vì cái chung, vì lợi ích của Ðảng, của dân tộc và nhân dân. Mượn danh đấu tranh, phê bình để hạ bệ nhau chỉ dẫn đến mất đoàn kết và để cho kẻ xấu lợi dụng gây rối nội bộ, các thế lực thù địch xuyên tạc, công kích. Ðoàn kết phải gắn liền với kỷ cương phép nước là vì thế.

Khi nói về vai trò, vị trí của các cơ quan nội chính, Tổng Bí thư "dẫn chuyện" rất nôm na mà thật sâu sắc. "một gia đình muốn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà)". "Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có "Nội quy"; một tổ chức, đoàn thể phải có "Quy chế", có "Ðiều lệ"... Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước".

Với quan điểm tư tưởng đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương phép nước chưa bao giờ được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt và hiệu quả như nhiệm kỳ Ðại hội XII. Mọi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, vùng cấm, bất kể người đó là ai; chống tham nhũng ngay trong các cơ quan tham nhũng. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức và đội ngũ cán bộ lãnh đạo có nơi, có lúc thiếu tính quyết liệt; còn nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và chưa chủ động kiên quyết xử lý khi có vi phạm, khuyết điểm. Vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác nội chính. Vì thế, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng và ổn định xã hội là một trong những nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra.

Theo Tổng Bí thư, muốn có kỷ cương phép nước, trước hết phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Ðặc biệt là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính cùng với các bài viết, phát biểu trước đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang nhiều nội dung, tư tưởng chỉ đạo cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng. Xuyên suốt tư tưởng chỉ đạo đó là tinh thần phát huy cao độ đại đoàn kết toàn dân tộc đồng thời giữ vững kỷ luật, kỷ cương để ổn định và phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Nguồn: Báo Nhân dân


Ý kiến bạn đọc