Trung Quốc đã công bố một kế hoạch hành động nhằm hạn chế việc lạm dụng thực phẩm của người dân.
(Ảnh minh họa: The China Food Law blog)
Đây là một phần trong nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm kiềm chế sự thái quá trong các khía cạnh xã hội.
Theo kế hoạch này, thực khách được yêu cầu chỉ gọi đồ vừa đủ ăn và được khuyến khích báo cáo những cơ sở ăn uống để xảy ra tình trạng lãng phí thực phẩm. Các hộ gia đình được khuyến cáo sử dụng hết những nguyên liệu nấu ăn họ đã mua và cũng chỉ mua vừa đủ theo nhu cầu. Kế hoạch cũng cấm các công ty tổ chức những bữa tiệc xa hoa. Nhà chức trách Trung Quốc hy vọng, kế hoạch này sẽ góp phần đáng kể vào chiến dịch chống lãng phí và ngăn ngừa khả năng thiếu thực phẩm trong tương lai.
Trước đó, vào tháng 8/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch "Operation Empty Plate" (tạm dịch là "Chiến dịch đĩa trống") nhằm hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm.
Truyền thông sở tại dẫn lời ông Tập Cận Bình nêu rõ, thực trạng lãng phí đồ ăn tại Trung Quốc "gây sốc và đáng buồn". Do đó, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi người dân trên cả nước đặt món ăn ít hơn khi ra nhà hàng.
Trung Quốc đã đưa ra chiến dịch chống lãng phí thực phẩm từ các cá nhân, hộ gia đình, cơ sở ăn uống . (Ảnh: CGIAR)
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh "vẫn cần cảnh giác với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong năm nay càng gióng lên hồi chuông báo động" về việc cần tiết kiệm thực phẩm.
Chiến dịch mới nói trên được đánh giá là nỗ lực nhằm thay đổi thói quen lâu nay của người dân Trung Quốc khi đặt thực đơn với quá nhiều món trong các bữa ăn theo nhóm.
Hưởng ứng chiến dịch này, các hiệp hội cung ứng thực phẩm địa phương đã thực hiện chính sách "N-1," trong đó kêu gọi các nhóm khách hàng gọi khẩu phần ăn/mỗi món ăn ít hơn số thực khách trên một bàn, đồng thời gợi ý các nhà hàng giảm bớt khẩu phần ăn phục vụ các thực khách dùng bữa một mình.
Theo báo cáo năm 2018 của Viện Khoa học Trung Quốc, mỗi người ăn ở nhà hàng trung bình bỏ phí khoảng 93g thức ăn trong mỗi bữa ăn và đây là một phần dẫn tới việc có đến 18 triệu tấn thực phẩm bị đổ bỏ tại các thành phố lớn mỗi năm.
Các quan ngại về vấn đề an ninh lương thực gia tăng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tình hình dịch bệnh ban đầu khiến người dân tạo nên "cơn sốt" tích trữ, dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm tại nhiều thành phố phải thực hiện lệnh phong tỏa.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc