Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20: Đi tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu

17:34, 10/07/2022

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 diễn ra tuần qua tại Indonesia.

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày (7-8/7) tại đảo Bali của Indonesia, đã tìm cách tiếp cận một loạt thách thức mà cả thế giới đang phải đối mặt. Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới nhận định, bên ngoài các thách thức về chính trị, an ninh, ba vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng và rủi ro tài chính là thách thức nổi bật trong giai đoạn hiện nay. Trong đó an ninh lương thực và năng lượng trở thành nội dung trọng tâm trong một phiên họp chính tại sự kiện.

Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị phủ bóng đen bởi một loạt các cuộc khủng hoảng.

Tổ chức Lương Nông LHQ và Chương trình Lương thực thế giới cảnh báo, tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa trên thế giới trong khoảng thời gian 3 tháng tới, đặc biệt ở 20 quốc gia kém phát triển.

Trong khi đó, giá dầu vẫn neo ở mức quanh 100 USD/thùng và được dự báo còn kéo dài trong một thời gian bởi nguồn cung dầu của Nga dự kiến giảm trong giai đoạn cuối năm.

Rủi ro tài chính tiền tệ cũng là một thách thức lớn khi Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, đã xuất hiện loạt dấu hiệu "đuối sức", kéo theo sự lo ngại bao trùm nền kinh tế toàn cầu.

Bà Retno Marsudi - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia: "Thế giới vẫn chưa thể phục hồi sau đại dịch, nhưng chúng ta đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác. Cuộc xung đột ở Ukraine. Các tác động gợn sóng đang được cảm nhận trên toàn cầu về thực phẩm, năng lượng và tài chính và như mọi khi, các nước đang phát triển và thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,9% vào năm 2022, trong khi lạm phát có thể lên tới 8,7% đối với các nước đang phát triển. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể tự mình giải quyết những vấn đề toàn cầu này không? Câu trả lời là không. Những thách thức toàn cầu yêu cầu các giải pháp toàn cầu".

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20: Đi tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu - Ảnh 1.

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 khai mạc sáng 8/7 ở Bali (Indonesia). Ảnh: Reuters

Bà Annalena Baerbock - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức: "Trong tình hình thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu, nơi mà các nền kinh tế mới nổi nói riêng đang bị tác động mạnh, điều quan trọng lúc này là mọi người cần đoàn kết với nhau, lắng nghe những ý kiến để tìm ra giải pháp chung".

Hai trong những ưu tiên lúc này là hạ giá năng lượng và đảm bảo nguồn lương thực thế giới, đại diện Nga cho biết sẵn sàng thảo luận để tìm giải pháp cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Ông Sergey Lavrov - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga: "Chúng tôi đã sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán với các đồng nghiệp Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã đưa tất cả các đề xuất cần thiết. Để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine thì nước này phải mở các cảng của mình, rà phà bom mìn và đảm bảo việc chung chuyển hàng hóa. Ra ngoài lãnh hải Ukraine, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đảm bảo an toàn cho các tàu hàng và hướng dẫn họ đến các eo biển và xa hơn như biển Địa Trung Hải hoặc nơi đích đến của họ".

Ông Lavrov cũng cho biết Nga sẵn sàng thực hiện tất cả các cam kết về việc cung cấp các sản phẩm năng lượng, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giá rẻ.

G20 đề cao cơ chế đa phương trong các vấn đề chính trị quốc tế

Một trong hai nội dung trọng tâm xuyên suốt sự kiện, trở thành nội dung chính trong 1 phiên họp là vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, thảo luận những bước đi nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu và xây dựng sự tin tưởng giữa các quốc gia, qua đó đảm bảo môi trường cho sự phát triển, hòa bình và ổn định của thế giới. Nội dung này đồng thời nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa đa phương trong ứng phó các thách thức toàn cầu hiện nay.

Thông điệp về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, phối hợp hiệu quả để ứng phó thách thức toàn cầu được nước chủ nhà Indonesia nhấn mạnh ngay từ phiên khai mạc G20. Giữa lúc thế giới còn mâu thuẫn bởi xung đột, các cuộc chiến thương mại, khủng hoảng chồng chéo, Indonesia kêu gọi các nước cần nỗ lực củng cố lòng tin chiến lược, tôn trọng lẫn nhau, duy trì các nền tảng và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Bà Retno Marsudi - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia: "Chủ nghĩa đa phương cũng là cách duy nhất để phối hợp hiệu quả chống lại các thách thức toàn cầu. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng làm hết sức mình. Chủ nghĩa đa phương sẽ chỉ phát huy nếu có sự tin tưởng giữa chúng ta. G20 phải là giải pháp cho các thách thức toàn cầu và chỉ khi đó G20 mới phù hợp và mang lại lợi ích cho thế giới nói chung, không chỉ các thành viên".

Vấn đề Ukraine tiếp tục trở thành đề tài nóng của các cuộc thảo luận tại G20. Lần đầu tiên sau ngày 24/2, các nhà lãnh đạo ngoại giao phương Tây và Nga cùng chung trong 1 căn phòng. Thông điệp của nước Mỹ tới hội nghị G20 khá rõ ràng: sử dụng diễn đàn đa phương này để gây sức ép với Nga và sức ép lên mối quan hệ Bắc Kinh và Moscow. Trong khi đó, Nga hiện đang bị phương Tây cáo buộc là nguyên nhân chính cho tình trạng thiếu lương thực và lạm phát trên toàn cầu, khởi nguồn từ cuộc chiến ngày 24/2 tại Ukraine.

Ông Sergey Lavrov - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga: "Nếu phương Tây muốn đối thoại, họ cần phải cân nhắc các yêu cầu của Nga. Nếu họ muốn Ukraine chiến thắng Nga trên chiến trường, thì có lẽ chúng ta không có gì để nói chuyện tiếp với phương Tây. Bởi vì với những cách tiếp cận như vậy, về cơ bản, đã không cho phép Ukraine chuyển sang quá trình xây dựng hòa bình".

Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng gây ra những vấn đề chia rẽ giữa các thành viên G20 khi Trung Quốc và nhiều bên tham gia khác, gồm Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và một số quốc gia đang phát triển khác không tham gia vào nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm cô lập Nga. Để thể hiện thái độ với Nga, các nhà ngoại giao hàng đầu của G7 tẩy chay một sự kiện ăn tối hôm 7/7. Còn Ngoại trưởng Nga thì đã rời khỏi hội nghị trước khi sự kiện kết thúc.

Bà Retno Marsudi - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia: "Trách nhiệm của chúng ta là phải kết thúc xung đột sớm hơn, và giải quyết những khác biệt của chúng ta trên bàn đàm phán, không phải ở chiến trường".

Ngoại trưởng Indonesia đã nhắc lại chuyến thăm mới đây của Tổng thống Indonesia tới Nga và Ukraine, đồng thời khẳng định đàm phán sẽ giúp xây dựng cầu nối giữa các quốc gia. Lấy sự đa dạng tôn giáo ở Indonesia như một ví dụ về cách những nhóm người khác nhau có thể cùng tồn tại một cách hài hòa, Indonesia kêu gọi các nước G20 tìm ra một con đường phía trước để giải quyết những thách thức trên toàn cầu.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20: Đi tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Nga - ông Sergey Lavrov tham dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8/7. Ảnh: AP

Các nền kinh tế đang phát triển trước các thách thức toàn cầu

Trong một thế giới nhiều thách thức, rủi ro có thể đang san sẻ chung giữa các nước phát triển và đang phát triển. Nhưng có những tác động hệ thống trong một thế giới toàn cầu hóa, khiến nhiều nền kinh tế đang phát triển chịu thêm những thách thức bổ sung. Việc các quốc gia phát triển và mới nổi cùng ngồi lại, tìm các cơ chế thảo luận, hợp tác đa phương để tiếp cận thách thức chung, do vậy là điều rất ý nghĩa.

Các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn như dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, lạm phát gia tăng, mức nợ kỷ lục và bất bình đẳng thu nhập gia tăng.

Sự giảm tốc ở các nền kinh tế lớn - bao gồm Mỹ và Trung Quốc - sẽ làm giảm nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ ở các nền kinh tế đang phát triển. Hơn nữa, chính phủ nhiều nền kinh tế không có đủ chính sách để ứng phó với các thách thức đang nổi lên như bùng phát dịch COVID-19 mới, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát. Sự kết hợp của những mối đe dọa này có thể làm tăng nguy cơ hạ cánh cứng ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Ông Ayhan Kose - Giám đốc Nhóm Triển vọng tại Ngân hàng Thế giới: "Các nền kinh tế phát triển cùng các thị trường mới nổi và đang phát triển đang ở hai đường bay khác nhau. Dù tăng trưởng chậm, các nền kinh tế tiên tiến vẫn đang bay cao. Vào cuối năm 2023, họ sẽ quay trở lại mức sản lượng như trước đại dịch. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang bay ở mức thấp - và họ không còn nhiều không gian chính sách nếu họ gặp phải những trở ngại. Đó là lý do tại sao chúng tôi lo lắng về một cuộc hạ cánh cứng với các thị trường này".

Một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng đang đe dọa kéo nhiều quốc gia đang phát triển vào một dòng xoáy của các vụ vỡ nợ. Nợ của các nền kinh tế này đã tăng lên mức cao nhất trong 50 năm, trị giá 237 tỷ USD. Hơn nữa, lạm phát gia tăng, cùng với điều kiện tài chính thắt chặt hơn ở các nước phát triển, đang thúc đẩy dòng vốn rút khỏi các nền kinh tế đang phát triển, buộc các nước này phải phá giá tiền tệ và tăng lãi suất.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc