Nhân lực số là khâu quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh nguồn nhân lực là cán bộ của các tổ chức, đơn vị được đào tạo để sử dụng thành thạo công cụ số trong xử lý công việc nội bộ và cung cấp dịch vụ số thì người dân cũng cần được hướng dẫn, đào tạo để có kỹ năng, thói quen sử dụng dịch vụ công…
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh minh họa: Quang Thọ
Trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án: "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đây là sự khẳng định của Chính phủ về việc coi trọng nhân lực số trong giai đoạn tới. Đến nay, đã có 15/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nêu trên.
Đồng hành với địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai Nền tảng học trực tuyến mở, hoàn thành ba khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương. Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 300 nghìn công chức, viên chức, 200 nghìn thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân.
Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố triển khai 40.590 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200 nghìn thành viên tham gia.
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu về phát triển chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn giai đoạn 2022 đến 2025.
Kế hoạch đề ra cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính của thành phố và từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tất cả các dịch vụ công trực tuyến được thiết kế nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ…
Đặc biệt, tất cả các cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, công nghệ thông tin và công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố được đào tạo về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin mạng phù hợp theo yêu cầu nghiệp vụ.
Tuy nhiên, nhìn chung, các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, phát triển nguồn nhân lực số hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là những đòi hỏi của thị trường lao động thời kỳ hội nhập.
Về số lượng, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%, thấp hơn một số quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, như: Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.
Năm 2022, cùng với xu thế phát triển chuyển đổi số và sự chuyển dịch các vùng kinh tế trên thế giới, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động của Việt Nam có thể tăng cao. Về kỹ năng, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia mà hiện mới chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành từ năm 2014, dựa trên những nghiên cứu, khảo sát của giai đoạn trước đó, do đó, cần phải bổ sung thêm một số nội dung như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên toàn quốc để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số góp phần bảo đảm công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách nhanh, hiệu quả, bền vững và thành công.
Để nhân lực số của Việt Nam lớn mạnh, phát triển cần sự chung tay của người dân và sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp; đồng thời, chuyển đổi nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; xây dựng mạng lưới chuyển đổi số từ trung ương đến cấp xã, với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ, thường xuyên; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng số để trực tiếp triển khai công tác chuyển đổi số đến từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nguồn: Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc