Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Thủ tướng: Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác

15:38, 23/09/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là chìa khóa để mở ra trang mới trong phương thức quản lý, hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác; nếu không quyết liệt đổi mới gắn với chuyển đổi số đối với mô hình kinh tế hợp tác, HTX thì mô hình này sẽ tụt hậu và không thích ứng được với nền kinh tế hiện đại.

Thủ tướng: Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 23/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Diễn dàn, các đại biểu đều đồng tình, ủng hộ thông điệp quyết tâm chuyển đổi số, quyết tâm đổi mới sáng tạo, thích ứng với sự thay đổi trong phương thức quản lý và hoạt động của kinh tế hợp tác, HTX.

Diễn đàn đã đánh giá một cách căn bản, khách quan, toàn diện, sâu sắc những xu hướng chuyển đổi số, môi trường chuyển đổi số quốc gia, những đòi hỏi khách quan cần đổi mới của mô hình kinh tế này, những kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và chỉ ra nguyên nhân, cũng như đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt các giải pháp đưa ra gắn với quyết tâm chuyển đổi số để thay đổi phương thức quản lý, vận hành của mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Sau khi lắng nghe các báo cáo và ý kiến tại Diễn đàn, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa được những giải pháp đã được thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ phát triển HTX gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

"Chúng ta đã thay đổi nhận thức và tư duy, thậm chí cần tư duy lại một số vấn đề khi thực hiện chuyển đổi số và đưa ra những giải pháp hành động với thước đo gia tăng giá trị, tối đa hóa nguồn lực, động lực, khai thông tiềm lực, tiết kiệm chi phí, vận hành thông minh để nâng cao hiệu quả hoạt động một cách đột phá của mô hình kinh tế tập thể, HTX. Chuyển đổi số là chìa khóa để mở ra trang mới trong phương thức quản lý, hoạt động của mô hình kinh tế này. Người giữ chìa khóa là tất cả chúng ta, những nhà quản lý, vận hành, tập thể, cá nhân… tất cả những người có khát vọng và tâm huyết đổi mới và nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác và HTX", Thủ tướng phát biểu.

Xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là công khai, minh bạch, bình đẳng, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Chúng ta không quyết liệt đổi mới gắn với chuyển đổi số đối với mô hình kinh tế tập thể, HTX thì mô hình này sẽ tụt hậu và không thích ứng được với nền kinh tế hiện đại, kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác - Ảnh 2.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc - Ảnh: VGP/Nhật Bức

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tinh thần là chuyển đổi số một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình thích hợp.

Thời gian qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, có ý nghĩa nền tảng rất đáng ghi nhận: (i) Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tích cực ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu để quyết tâm xây dựng công dân số, kinh tế số, xã hội số; (ii) công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số; (iii) hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ trung ương đến địa phương; (iv) các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm y tế…; (v) dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng kịp thời, hiệu quả; (vi) nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển đa dạng hình thức tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; (vii) an toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; (viii) tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.

Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên trong dó có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 28.000 HTX, hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100.000 tổ hợp tác, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%.

Đây là những mục tiêu đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả. Chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Bên cạnh kết quả đạt được, chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều tồn tại, bất cập, khó khăn, thách thức. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX 2012, có hơn 1.700 HTX ứng dụng công nghệ, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm tỷ trọng rất thấp trong 28.000 HTX. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang ở giai đoạn bước đầu, HTX ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn nhỏ lẻ, manh mún mới tập trung ở một số khâu như quản lý HTX, sản xuất (công nghệ tưới tiêu, chế biến...), truy xuất nguồn gốc (dán tem, mã QR…), thương mại điện tử…

Thủ tướng: Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác - Ảnh 3.

Các đại biểu dự Diễn đàn có nhiều đóng góp quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX nói riêng chưa thật sự sâu rộng, nhất là người đứng đầu. Thể hiện rõ qua việc chưa quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác vô cùng quan trọng này. Hoạt động chuyển đổi số ở một số nơi còn mang nặng tính hình thức, phong trào, chưa thực chất, hiệu quả. Chưa xác định chuyển đổi số là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công hoặc kém hiệu quả của mô hình kinh tế này.

Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực quản trị HTX còn thiếu số lượng và yếu về chất lượng (số lượng cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ cấp, trung cấp chiếm khoảng 46,6%; trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 22%; còn tới trên 31% cán bộ quản lý HTX chưa được đào tạo qua các trường lớp giáo dục nghề nghiệp).

Hệ thống công nghệ thông tin và hạ tầng số chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, gây khó khăn rất lớn cho việc kết nối liên thông giữa các HTX, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Dịch vụ viễn thông và internet ở khu vực nông thôn (nơi có số lượng HTX chiếm tới trên 70% số lượng HTX của cả nước) phát triển chậm. Trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số (hệ thống máy tính, thiết bị đầu cuối…) của các HTX còn thiếu, lạc hậu.

Nguồn lực tài chính, đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế, trong đó có đầu tư cho chuyển đổi số.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTHT, HTX đã cơ bản đầy đủ và tương đối toàn diện. Tuy nhiên các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, HTX chuyển đổi số còn ít. Nhiều mối quan hệ phi truyền thống mới phát sinh trên nền tảng số chưa được quy định, hoặc quy định chưa đầy đủ.

Xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX

Kinh tế hợp tác, HTX phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tỉ trọng của khu vực kinh tế kinh tế hợp tác, HTX trong GDP của đất nước đang có xu hướng giảm.

Để khu vực kinh tế hợp tác, HTX chuyển đổi số thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực sự phát huy vai trò của của mình trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng lưu ý một số quan điểm chính.

Theo đó, phải quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, chúng ta phải đổi mới tư duy, bắt đầu từ nhận thức; có tầm nhìn xa, tổng thể; phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác. Xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, đi từ nhỏ đến lớn, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực.

Chuyển đổi số nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực đòi hỏi sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, các HTX và người dân.

Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kịp thời phản ứng chính sách, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Đẩy mạnh xây dựng các hệ thống thông tin và các nền tảng số phục vụ cho chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX, sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, có tính kết nối, liên thông cao, đặc biệt chú ý việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

Thủ tướng: Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác - Ảnh 4.

Thủ tướng trò chuyện, trao đổi với các đại biểu trong và ngoài nước dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

8 nhóm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban chấp hành Trung ương nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trong tâm và nhân tố cốt lõi gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế này.

Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...

Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế hợp tác, HTX phát triển nhanh và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất, sửa đổi các quy định còn bất cập, cản trở phát triển của kinh tế tập thể, HTX.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật HTX năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; thể chế hóa Nghị quyết 20 về nội dung chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ số để kết nối cung cầu, bảo vệ nhà đầu tư chân chính cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ba là, có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án chuyển đổi số để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các HTX thực hiện chuyển đổi số.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Trong đó có các cơ chế đặc thù cho HTX; xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung và bước đầu miễn phí; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong HTX; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm áp dụng công nghệ hiện đại từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.

Trong dài hạn, ngay khi Luật HTX năm 2012 được sửa đổi, các bộ ngành, địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc và bảo đảm nguồn lực để thực hiện Chương trình.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng: Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác - Ảnh 6.

Thủ tướng trò chuyện, trao đổi với các đại biểu trong và ngoài nước dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bốn là, UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương. Xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, phù hợp, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số. Lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển knh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số HTX và mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) một cách hiệu quả nhất. 

Năm là, HTX với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, gắn với tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch, chủ động, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình chuyển đổi số hiệu quả; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Sáu là, hệ thống liên minh HTX cần tiếp tục đổi mới hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể. Bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của HTX để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền. Về thúc đẩy chuyển đổi số trong các HTX, liên minh HTX các cấp phải vào cuộc sâu hơn, khảo sát và tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các HTX; hướng dẫn các thủ tục để giúp các HTX tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bảy là, các cơ quan chức năng, Liên minh HTX và các địa phương cần quan tâm, đầu tư, làm tốt công tác truyền thông chính sách về khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

Thủ tướng: Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác - Ảnh 7.

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tám là, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh để hỗ trợ khu vực kinh tế này phát triển, trong đó có chuyển đổi số.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, qua gần 3/4 thế kỷ hình thành và phát triển, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Thủ tướng nhắc lại thông điệp về tinh thần đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ để mô hình kinh tế hợp tác, HTX  có sự chuyển biến mạnh mẽ để hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nguồn: Báo Chính phủ


Ý kiến bạn đọc