Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Thủ tướng: Vaccine là "vũ khí" chống dịch, làm rõ nguyên nhân tiến độ tiêm phòng ở một số địa phương đang chậm lại

10:34, 13/09/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung trên tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng nay.

Trong phát biểu mở đầu đánh giá về công tác phòng chống dịch sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam đã xác định vaccine có tính chất quyết định trong phòng, chống dịch, nên đã thực hiện chiến lược vaccine với 3 nội hàm: xây dựng Quỹ vaccine, thực hiện chiến dịch ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, thực hiện phòng, chống dịch với 3 trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị; công thức 5K + vaccine, thuốc + công nghệ + ý thức của người dân và các biện pháp khác.

Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, trong khi một số nơi, một số người có tâm lý chủ quan, lơ là; việc tiêm vaccine chậm lại. Do đó, Thủ tướng đề nghị tại phiên họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phân tích, "mổ xẻ" nguyên nhân và có giải pháp để khắc phục.

Qua theo dõi, Thủ tướng nhận định, tốc độ tiêm vaccine phòng chống dịch đến nay chưa đạt mục tiêu theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Quốc gia, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong khi chúng ta không thể quên được những ngày tháng khó khăn, vất vả, hy sinh, mất mát khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường mà chưa tiếp cận được vaccine, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế. Thủ tướng cho biết, qua theo dõi tin tức trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, hiện một số địa phương như Phú Yên, Đà Nẵng… có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 rất thấp và trong mấy ngày qua hầu như không có sự cải thiện, dịch chuyển đáng kể. Thủ tướng đề nghị làm rõ tại sao việc tiêm vaccine lại chậm, trong khi đây là vũ khí quan trọng nhất trong chống dịch; yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm, nhất là cho các cháu học sinh theo mục tiêu của Ban Chỉ đạo, của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

"Địa phương nào không thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch, nhất là tiêm vaccine dẫn đến bùng phát, lây lan dịch bệnh, chết người thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm", Thủ tướng thẳng thắn.

Thủ tướng: Vaccine là vũ khí chống dịch, làm rõ nguyên nhân tiến độ tiêm phòng ở một số địa phương đang chậm lại - Ảnh 1.

Thủ tướng nhận định, có hiện tượng lơ là, chủ quan trong việc tiêm vaccine khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng trong phiên họp sáng nay, Thủ tướng đề cập đến tình trạng thiếu thuốc trong khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế, trong khi người dân thì ốm đau, cần thuốc - "Chúng ta không thể ngồi nhìn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, xem xét xem việc mua thuốc vướng mắc chỗ nào để có giải pháp tháo gỡ. Đề nghị ứng dụng công nghệ để việc đấu thầu, đấu giá thuốc được công khai, minh bạch; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc tổ chức đầu thấu, linh hoạt trong hình thức đấu thầu tập trung hoặc phải phân cấp để việc mua sắm thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân thuận lợi hơn.

Đối với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo thống kê có khoảng 1% cán bộ, nhân viên y tế dịch chuyển công việc từ khu vực công sang khu vực tư. Mặc dù tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người, song các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, phân tích để có chế độ chính sách đảm bảo cho cán bộ y tế yên tâm công tác.

Thủ tướng đề nghị, tại phiên họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo, các đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương thảo luận, hiến kế để giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc để công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như khám, chữa bệnh cho nhân dân đảm bảo hiệu quả.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại phiên họp cho biết, đến ngày 11/9, thế giới ghi nhận trên 613 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,5 triệu trường hợp tử vong. Biến thể Omicron của virus SAR-CoV-2 đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác.

Ở Việt Nam, đến nay, cả nước ghi nhận trên 11,4 triệu ca mắc COVID-19, có 10,3 triệu người khỏi bệnh và trên 43 nghìn ca tử vong. Riêng trong tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần so với tháng 7), 24 ca tử vong (tăng 18 ca so với tháng 7). Đặc biệt, trong 7 ngày qua (5-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Về tiêm vaccine, tính đến hết ngày 11/9, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Theo đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77,0% tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2%; tiêm mũi 4 là 77,0%.

Ban Chỉ đạo dự báo, trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, gia tăng trở lại.

Vì vậy, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch nên phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng; đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Nguồn: VTV.VN

 


Ý kiến bạn đọc