Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, gắn với giảm các thủ tục hành chính, nâng cao năng suất chất lượng nhằm ứng phó tốt hơn với cú sốc bên ngoài.
Doanh nghiệp vẫn cần bệ đỡ từ chính sách, giải quyết nhanh nhu cầu vốn, thủ tục để đạt hiệu quả cao hơn trong kinh doanh - Ảnh: HỮU HẠNH |
Đây là những vấn đề được người dân, DN và các đại biểu Quốc hội kỳ vọng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra ngày 5-11.
DN cần được trợ lực
Trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, ông Mạc Quốc Anh - phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội - cho hay các DN đối diện với tình trạng hàng tồn kho tăng, sản phẩm mới không được sản xuất và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việc điều chỉnh tỉ giá, lãi suất cũng tác động đến DN, đặc biệt là những đơn vị nhập khẩu hàng hóa làm nguyên liệu đầu vào cho xuất khẩu.
Theo ông Quốc Anh, cộng đồng DN rất mong muốn có sự ổn định. Dù việc tăng lãi suất, tỉ giá là phù hợp xu thế kinh tế, để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cần giữ ổn định mức điều chỉnh này để DN tính toán tài chính phù hợp hơn. Vừa qua đã điều chỉnh tăng rồi, nhưng nếu từ nay đến Tết mà tăng nữa sẽ gây ảnh hưởng lớn tới DN.
"Chính sách tiền tệ cần được kiểm soát nhưng không thắt chặt, đảm bảo cung ứng vốn cho lĩnh vực sản xuất, giảm chi phí đầu vào cho DN, hỗ trợ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đó là những vấn đề mà cộng đồng DN mong mỏi gửi tới Thủ tướng Chính phủ", ông Quốc Anh nói.
Công nhân làm việc tại Công ty May mặc xuất khẩu, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đại biểu Lê Xuân Thân - chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN - cho rằng việc tăng lãi suất 1 - 2% là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là Chính phủ phải có cơ chế thông thoáng cho DN, tạo điều kiện cho vay phù hợp với năng lực của DN nhỏ và vừa.
Đồng thời tạo công ăn việc làm cho DN nhỏ và vừa trên cơ sở dành ra 30% hợp đồng, việc làm cho khối DN này khi thực hiện chương trình đầu tư công.
Theo ông Thân, cần tạo cơ chế hai chiều, Nhà nước vừa tạo việc làm trong các chương trình đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, cho DN được tiếp cận các hợp đồng một cách bình đẳng với DN khác.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục cho vay và các yêu cầu thế chấp phù hợp hơn.
"Ngoài ra, tôi cũng mong Thủ tướng có những chỉ đạo quyết liệt hơn để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và thông thoáng hơn, cắt giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh", ông Thân đề nghị.
Nỗ lực giữ ổn định lạm phát
Đại biểu Trần Văn Lâm - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách - cũng bày tỏ kỳ vọng người đứng đầu Chính phủ sẽ có những quyết sách, chỉ đạo quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua những cú sốc, khó khăn.
Việc kiên định với chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ông Lâm cho là phù hợp, nhưng với những tác động của tình hình ngày càng phức tạp, khó lường, việc có chính sách điều hành chủ động, linh hoạt, giảm cú sốc cho nền kinh tế và trợ lực cho DN là rất cần thiết.
Cũng theo ông Lâm, việc điều chỉnh tỉ giá và tăng lãi suất vừa qua cũng là một trong những phản ứng linh hoạt, kịp thời với biến động từ bên ngoài, nhằm thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Do đó, Chính phủ cần kiên định với chính sách điều hành này, chủ động linh hoạt và đảm bảo tính hài hòa để giữ ổn định tương đối của đồng tiền, đặc biệt là giữ ổn định giữa đồng VND và USD.
Bởi các mối quan hệ trong hoạt động kinh tế bao gồm xuất nhập khẩu, kinh doanh của DN, các khoản vay nợ của Chính phủ... đều có liên quan mật thiết tới tỉ giá của đồng USD.
Lãi suất, tỉ giá tăng khiến doanh nghiệp sản xuất gặp không ít khó khăn - Ảnh: TỰ TRUNG |
"Chính sách tiền tệ cần được tính toán liều lượng để cung tiền ra sao cho phù hợp, vì nếu lượng cung tiền ra mà nhiều hơn, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng lên, rất ảnh hưởng tới DN.
Hoặc mức tăng trưởng tín dụng hiện nay là 14% cũng đòi hỏi cơ quan quản lý tính lượng tiền phù hợp, không làm ảnh hưởng để lạm phát quá cao, nhưng cũng phải đáp ứng được nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cho DN, đặc biệt là sản xuất", đại biểu Lâm nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - cho rằng giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát phải đi đôi với việc đảm bảo tăng trưởng bền vững. Dù nền kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn, nhưng ông Việt cho rằng việc đầu tư cho năng suất, chất lượng và hiệu quả vẫn phải được kiên trì thực hiện.
"Tôi kỳ vọng những vấn đề được Chính phủ đưa ra sẽ giúp nhận diện được những nguy cơ, thách thức của các vấn đề kinh tế, chính trị thế giới, nhằm tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, tăng chất lượng, bền vững và hiệu quả hơn", ông Việt khuyến nghị.
Nguồn: Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc