Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Tôn vinh và thiết thực tri ân nhà giáo

11:48, 20/11/2022

Hôm nay, 20/11, tròn 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam-ngày cả xã hội thể hiện tình cảm, tấm lòng trân trọng, tri ân đối với đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp "trồng người" cao cả.

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Trần Hải)

 

Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Trần Hải)

Hiện nay, lực lượng nhà giáo cả nước đã có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, có hơn 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học; hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Ngoài ra, cả nước có gần 115 nghìn giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Đội ngũ nhà giáo hiện đang đảm nhiệm việc dạy học cho hơn 23 triệu học sinh học tập tại tất cả các chương trình, các bậc học và các loại hình giáo dục. Hơn 70% số phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, công bố khoa học quốc tế được thực hiện bởi các nhà giáo, nhà khoa học.

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự chăm lo của các đoàn thể, tổ chức xã hội, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các bậc cha mẹ học sinh cùng sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đạt được những thành tựu quan trọng.

Hầu hết các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ nhà giáo luôn tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ gương mẫu. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Đảng, Nhà nước khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, có nhiều cơ chế, chính sách vun đắp xây dựng đội ngũ nhà giáo ngày càng phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang rà soát các chế độ chính sách, các quy định có liên quan tới nhà giáo, nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn.

Nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, biến áp lực thành động lực đổi mới và phát triển giáo dục-đào tạo cũng được ban hành. Các bộ, ngành, địa phương phối kết hợp nhằm từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho nhà giáo; xây dựng môi trường văn hóa học đường, môi trường sư phạm lành mạnh, dân chủ.

Mặc dù có sự quan tâm, trân trọng, tôn vinh của toàn xã hội nhưng thực tiễn đổi mới giáo dục-đào tạo trong xu thế hội nhập hiện nay cho thấy, một số cơ chế, chính sách vẫn chưa theo kịp yêu cầu đặt ra, chưa thật sự tạo thuận lợi để nhà giáo hoàn thành trọng trách, sứ mệnh của mình. Tình trạng xâm phạm những giá trị, những chuẩn mực của nhà giáo, nhà trường còn diễn ra. Tình trạng phó mặc con cái cho nhà trường, cho thầy cô và rồi chỉ biết đổ lỗi cho giáo dục là một thực tế đáng buồn và đáng báo động. Thậm chí, tình trạng xúc phạm, gây ảnh hưởng về vật chất, tinh thần cho nhà giáo không còn là hiếm. Vì vậy, cần có thêm những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, tạo động lực nhiều hơn nữa cả vật chất và tinh thần để nhà giáo hoàn thành tốt nhất sứ mệnh, trọng trách của mình.

Các gia đình, các bậc cha mẹ học sinh và xã hội cần thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng đội ngũ nhà giáo trong quá trình dạy dỗ con em mình nên người. Tôn vinh nhà giáo không chỉ là hình thức, không chỉ trong Ngày Nhà giáo Việt Nam mà cần là một quá trình, hành trình xuyên suốt, trở thành những chuẩn mực cốt lõi trong quá trình phát triển con người, xây dựng đất nước.

Nguồn: Báo Nhân dân


Ý kiến bạn đọc