Cuộc xung đột tại Ukraine được xem là điểm cuối của một chuỗi các cuộc khủng hoảng liên tiếp mà Liên minh châu Âu phải đối mặt trong hơn một thập kỷ qua và là giới hạn cuối cùng để châu Âu phải đưa ra lựa chọn: hoặc phải thay đổi, hoặc sẽ tan rã.
So với các khu vực khác của thế giới, châu Âu trải qua năm 2022 với nhiều lo lắng và bất an hơn cả. Không chỉ kinh tế có nguy cơ cao rơi vào tình trạng suy thoái, mà nhiều vấn đề “nóng” như an ninh năng lượng, rủi ro xung đột đã khiến cho châu Âu trải qua một năm đầy thách thức.
Cuộc xung đột tại Ukraine được xem là điểm cuối của một chuỗi các cuộc khủng hoảng liên tiếp mà Liên minh châu Âu phải đối mặt trong hơn một thập kỷ qua và là giới hạn cuối cùng để châu Âu phải đưa ra lựa chọn: hoặc phải thay đổi, hoặc sẽ tan rã.
Thách thức chưa từng có với châu Âu
Châu Âu là tâm điểm của năm 2022 bởi đây là khu vực chứng kiến một trong những biến động địa chính trị lớn nhất của toàn thế giới trong vòng 3 thập kỷ qua: xung đột Nga-Ukraine.
Đây là một sự kiện mà nhiều lãnh đạo châu Âu nhận định rằng có tính chất thay đổi thời đại và sự thực cũng đã và đang diễn ra đúng như nhận định đó, khi đang có những thay đổi, biến động ghê gớm tại châu Âu mà chỉ vài tháng trước đó không ai có thể hình dung nổi, từ việc nước Đức tái vũ trang, Phần Lan-Thuỵ Điển từ bỏ chính sách trung lập hàng thế kỷ để xin gia nhập NATO cho đến việc đổ vỡ toàn diện quan hệ kinh tế-chính trị, dẫn đến sự đối đầu gay gắt nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Các tác động của xung đột Nga-Ukraine cũng hiện diện sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội châu Âu, khi là tác nhân quan trọng nhất gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất từ thập niên 70, qua đó đẩy tỷ lệ lạm phát tại nhiều nước châu Âu lên các mức cao nhất trong vòng 3-4 thập kỷ. Do đó, sẽ không phải là quá nếu nhận định rằng xung đột tại Ukraine là nguyên nhân trực tiếp lớn nhất đẩy châu Âu vào một loạt các cuộc khủng hoảng, một loạt các thách thức lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào thời điểm mà các nước châu Âu vừa chập chững bước ra khỏi quãng thời gian 2 năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề về kinh tế-xã hội nên sức đề kháng của nền kinh tế các nước đều tương đối yếu, nhiều mô hình kinh tế bị đặt dấu hỏi.
Bên cạnh đó, sau một loạt các cuộc khủng hoảng lớn liên tiếp phải trải qua trong 1 thập kỷ vừa qua, từ khủng hoảng nợ công 2012, khủng hoảng tị nạn 2015 cho đến Brexit kéo dài lê thê từ 2016 đến 2019, nội bộ của Liên minh châu Âu – EU xuất hiện những rạn nứt lớn kéo dài, trong đó đáng kể nhất là sự lệch pha ngày càng khó dung hoà giữa nhóm các nước ở Tây Bắc Âu vốn là hạt nhân thành lập EU với nhóm các nước ở Trung Đông Âu gia nhập EU trong gần 2 thập kỷ qua và vốn có trình độ phát triển kinh tế, tổ chức nhà nước khác biệt.
Những lời chỉ trích công kích lẫn nhau giữa Berlin, Paris với Warsaw, Budapest hay Athens không phải đợi đến năm 2022 mới xuất hiện mà đã có từ 2012 khi các nước Nam Âu uất hận trước thái độ cay nghiệt và lạnh lùng của các nước Tây Bắc Âu trong đòi hỏi cải cách ngân sách, thắt chặt chi tiêu; từ năm 2015 khi nhóm các nước Visegrad (Ba Lan, Hungary, CH Séc, Slovakia) từ chối nhận quota người tị nạn trong khi nước Đức lại mở cửa đón hàng triệu người từ Syria, Trung Đông….
Từ 3 năm nay, các tranh cãi giữa các nhóm nước này là một vấn đề thường trực khi Uỷ ban châu Âu đã đưa Ba Lan hay Hungary vào tầm ngắm để trừng phạt vì các bất đồng liên quan đến nhà nước pháp quyền hay tư pháp độc lập. Đối với xung đột Nga-Ukraine, khác biệt lớn nhất giữa Tây và Đông Âu có lẽ là về nhận thức và cách tiếp cận đối với nước Nga, giữa một bên theo đuổi quan điểm dung hoà, tìm cách chung sống lâu dài với Nga và một bên muốn đối đầu với Nga một cách quyết liệt.
Nguồn: VOV
Ý kiến bạn đọc