Từ bao đời nay, phong tục cúng ông Công, ông Táo đã trở thành nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Cứ độ 23 tháng Chạp, gia đình lại quây quần lại bên nhau và tất bật chuẩn bị những nghi thức cúng kiếng thiêng liêng nhằm thể hiện lòng thành kính với vị “thần Bếp”.
Phong tục cúng ông Công, ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của người Việt, được duy trì và gìn giữ đến tận ngày nay nhằm thể hiện niềm mong mỏi về một năm mới sung túc, ấm no.
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình lại quây quần bên nhau làm lễ cúng trang trọng dâng lên "vị thần Bếp.. Ảnh: Bùi Thủy
Lễ cúng ông Công, ông Táo diễn ra vào ngày nào?
Thời gian cúng ông Công, ông Táo có thể bắt đầu từ ngày 21 âm lịch và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp hằng năm vì theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm các vị thần tập trung để chuẩn bị về Trời.
Dịp 23 tháng Chạp hàng năm là thời điểm nhà nhà làm một mâm cỗ cúng nhằm thể hiện lòng thành kính với các vị thần. Ảnh: aFamily
Theo lịch năm 2023, ngày 23 tháng Chạp âm lịch sẽ rơi vào thứ bảy (14/01). Tuy nhiên, nếu bận rộn công việc thì không nhất thiết phải cúng vào trưa 23 tháng Chạp mà có thể bắt đầu từ ngày 21 và phải kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp.
Lễ cúng thường bắt đầu từ ngày 21 âm lịch và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: VietNamNet
Ý nghĩa của phong tục cúng ông Công, ông Táo
Theo những câu chuyện dân gian xưa kể lại, Táo quân là vị thần cai quản, giám sát mọi hoạt động trong gia đình và đồng thời còn giúp ngăn ma quỷ xâm phạm vào nhà, giữ cho gia thất được bình yên. Do đó, phong tục cúng ông Công, ông Táo mang ý nghĩa thể hiện sự tôn kính đến vị "thần Bếp" cai quản việc bếp núc trong gia đình và cầu mong sự yên bình, sung túc đủ đầy trong năm mới.
Táo quân là vị thần cai quản, giám sát mọi hoạt động trong gia đình và bảo vệ gia chủ khỏi những điều xui rủi. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Mâm cỗ là nghi thức thiêng liêng thể hiện sự biết ơn tới vị Thần Bếp. Ảnh: VinWonders
Các bước làm lễ cúng ông Công, ông Táo
Thứ tự các hoạt động diễn ra trong ngày lễ cúng:
- Gia đình chuẩn bị mâm cỗ, lễ vật cúng ông Công, ông Táo.
- Thắp nhang, đọc bài khấn tiễn ông Công, ông Táo về trời.
- Sau khi bày lễ, thắp hương và đọc văn khấn xong, cần đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa. Sau đó bạn lễ tạ rồi hóa vàng mã và phóng sinh cá chép ra ao, hồ, sông, suối.
Cả gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cỗ vào ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: bacninhtv.vn
Giờ lành để cúng ông Công ông Táo
Theo phong tục cúng ông Công, ông Táo, gia đình cần ghi nhớ những khung giờ tốt để bắt đầu lễ cúng.
- Nếu cúng ngày 21 tháng Chạp, bạn nên cúng vào giờ Mão (5 - 7h), giờ Ngọ (11 - 13h), giờ Thân (15 - 17h), giờ Dậu (17 - 19h). Trong đó, giờ Ngọ là giờ Tốc Hỷ, là khung giờ tốt nhất để cúng ông Công ông Táo ngày 21 tháng Chạp và theo quan niệm xưa, khấn giờ này giúp bạn gặp nhiều may mắn, hóa giải bệnh tật và xui xẻo cho các thành viên trong gia đình.
Gia chủ nên chú ý các giờ lành vào ngày 21 và 23 tháng Chạp để tiến hành khấn vái đồng thời dâng lễ vật lên Táo quân. Ảnh: BlogAnChoi
- Nếu lựa chọn cúng ngày 23 tháng Chạp, bạn nên tiến hành vào giờ Thìn (7 - 9h) và giờ Tị (9 - 11h). Trong đó, giờ Thìn chính là giờ Tốc Hỷ được xem thời điểm mang lại nhiều may mắn cho gia đình.
Cần lưu ý khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ phải đặt mâm cúng ở 2 nơi là ban thờ tổ tiên và khu bếp.
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo truyền thống thường có:
- Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc, tức hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn và mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.
- Tiền vàng.
- 1 chiếc áo.
- 1 đôi hia bằng giấy.
- 1 lọ hoa.
Màu sắc của đồ cúng thường thay đổi theo từng năm và phần lớn phụ thuộc vào ngũ hành. Ảnh: VietnamPlus
Màu sắc của mũ, áo và hia cúng ông Táo thay đổi theo từng năm, thường phụ thuộc vào ngũ hành:
- Năm hành kim sẽ cúng mũ, áo và hia màu vàng
- Năm hành mộc sẽ cúng mũ, áo và hia màu trắng
- Năm hành thủy sẽ cúng mũ, áo và hia màu xanh
- Năm hành hỏa sẽ cúng mũ, áo và hia màu đỏ
- Năm hành thổ sẽ cúng mũ, áo và hia màu đen
Năm 2023 thuộc hành kim, do đó gia chủ nên chọn đồ cúng màu vàng sẽ tương thích và mang lại nhiều may mắn hơn.
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường bao gồm mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc, tiền vàng, quần áo - hia bằng giấy...Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Mâm cỗ cúng công Công, ông Táo
Bên cạnh các lễ vật, theo truyền thống, người dân thường sẽ làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hoặc lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.
Bạn có thể lựa chọn lễ mặn hoặc lễ chay để làm mâm cúng. Ảnh: VOVlive
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo truyền thống bao gồm các món cơ bản sau:
- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
- Cá chép: Cá chép được xem là hình ảnh tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Bạn có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật. Ở miền Bắc, người dân hay cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý "cá chép hóa rồng" và tại Nam Bộ thì mọi người lại dùng cá chép giấy nhiều hơn.
Cá chép được xem là hình ảnh tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Ảnh: VnExpress
- Gà luộc: Gia đình có trẻ em thường cúng thêm một con gà luộc. Loại gà được sử dụng phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) với hàm ý cầu mong đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực, thông minh và sinh khí hiên ngang.
Gia đình có trẻ em thường cúng loại gà cồ mới tập gáy với nguyện ước đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh và thông minh. Ảnh: VnExpress
- 1 bát canh mọc hoặc canh măng
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông
- 1 đĩa xôi gấc
- 1 đĩa chè kho
Xôi gấc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo về trời. Ảnh: VnExpress
Các món ăn trong mâm cúng tùy vào vùng miền sẽ có sự thay đổi. Ảnh: bacninhtv.vn
Phong tục cúng ông Công ông Táo tại mỗi vùng miền
Tùy vào văn hóa vùng miền mà phong tục cúng ông Công, ông Táo lại có một chút khác biệt.
Ở miền Bắc
Người dân thường cúng ông Công, ông Táo từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Người miền Bắc quan niệm, sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là ông Táo đã về chầu trời. Vào ngày cúng ông Táo nhiều gia đình cũng đốt hết chân nhang cũ, lau chùi bát hương và bàn thờ sạch sẽ để chuẩn bị đón năm mới.
Mâm cúng Táo quân tại miền Bắc thường bao gồm vàng mã, cá chép, bộ mũ, áo của các Táo, xôi, chè…Ảnh: Afamily.vn
Mâm cúng ông Công, ông Táo tại miền Bắc sẽ bao gồm vàng mã, cá chép, bộ mũ, áo của các Táo, xôi, chè… hoặc làm cả mâm cơm cúng đủ món gà luộc, canh măng, thịt đông, hành muối…
Theo phong tục cúng ông Công, ông Táo ở miền Bắc, người dân thường cúng cá chép sống hoặc cá chép giấy với số lượng khác nhau. Nếu là cá chép sống, sau khi cúng xong cần mang ra sông, suối phóng sinh, còn nếu là cá chép giấy thì cúng xong sẽ đốt.
Sau khi kết thúc nghi lễ cúng bái, người dân sẽ tiến hành phóng sinh cá chép ra ao, hồ, sông, suối gần nhà. Ảnh: Vietravel
Ở miền Nam
Người miền Nam thường cúng ông Công, ông Táo vào tầm tối, khoảng thời gian từ 20h đến 23h ngày 23 tháng Chạp.
Một điểm khác biệt so với các vùng miền khác là xứ Nam không cúng cá chép và mũ áo thờ. Ảnh: Tintuconline
Mâm cúng ông Công, ông Táo của miền Nam thường gồm các món chủ đạo như nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc, một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy”. Người dân xứ Nam không cúng cá chép, cũng không cúng mũ áo thờ.
Ở miền Trung
Mâm cúng ông Công, ông Táo của người miền Trung sẽ có hoa, trái cây tươi và luôn phải có cá ngừ hay là cá thu.
Thủ tục cúng kiếng thường được làm vô cùng trọng thể, tuy không có áo mũ vàng mã nhưng người dân sẽ dâng lên một con ngựa bằng giấy có yên cương đầy đủ cùng rất nhiều lễ vật khác.
Người miền Trung làm mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo vô cùng trang trọng với nhiều lễ vật đi kèm. Ảnh: VietNamNet
Đặc biệt, nhiều gia đình ở Thừa Thiên Huế hay Hội An theo truyền thống còn dựng cây nêu trước sân nhà trong buổi sáng ngày 23 tháng Chạp. Đến chiều 30 Tết, người dân làm lễ rước ông Công ông Táo về nhà và sáng ngày mùng 1 Tết sẽ hoàn tất việc an vị ông Táo mới.
Những điều cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo
Theo phong tục cúng ông Công, ông Táo, gia chủ nên tránh những điều kiêng kị và lưu ý một số thông tin quan trọng sau:
- Trước khi đọc văn khấn, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc nghiêm túc và lịch sự, để thể hiện sự tôn kính với các vị thần.
- Đọc văn khấn với thái độ nghiêm túc, thành tâm, đọc to và rõ ràng.
Đừng quên chú ý các thông tin quan trọng về nghi thức cúng bái và tránh làm những điều kiêng kị trong quá trình diễn ra hoạt động thờ cúng. Ảnh: bacninhtv.vn
- Không nên cầu xin tài lộc, sung túc mà chỉ nên xin Táo quân báo cáo những việc tốt đẹp trong năm.
- Không cúng sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp
- Không thả cá chép từ trên cao xuống
Phong tục cúng ông Công, ông Táo là nét văn hóa đẹp của người Việt nhằm thể hiện sự tôn kính với các vị thần sau một năm dài làm việc vất vả. Đừng quên tham khảo thông tin về lễ vật, mâm cúng, giờ lành…trên đây để nắm được các bước tiến hành làm lễ cúng một cách trang trọng, chu đáo nhất nhé.
Nguồn: https://dulichvietnam.com.vn/
Ý kiến bạn đọc