Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)... (Ảnh minh họa)
Trong 8 dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua ở kỳ họp thứ 5 có Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự...
Tại kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 22/5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) chủ trì, phối hợp cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 15/02/2023, tại phiên họp thứ 20, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật này. Dự thảo Luật cũng đã được cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến các cơ quan hữu quan.
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 chương, 79 điều. Những nội dung lớn của dự thảo Luật được các ĐBQH quan tâm gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; nguyên tắc và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; các hành vi bị cấm; xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng.
Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng:
(1) Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan;
(ii) Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng;
(iii) Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua;
(iii) Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu;
(iv) Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định;
(v) Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Luật Giá (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp với cơ quan soạn thảo thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu đối với Dự án Luật này và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 15/3/2023, UBTVQH đã họp và cho ý kiến về các nội dung lớn, nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, gửi lấy ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách (4/2023). Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 8 chương, 74 điều; so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã bỏ 03 điều; bổ sung 05 điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 14 nội dung của các Luật có liên quan; bổ sung thêm Phụ lục số 1 quy định Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Những nội dung lớn của dự thảo Luật được các ĐBQH quan tâm bao gồm: quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật; tên gọi của Luật; việc áp dụng pháp luật; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; các quy định về bình ổn giá, định giá; hiệp thương giá; kê khai, niêm yết, tham chiếu giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; thẩm định giá; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là những nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Tại Phiên họp thứ 20 của UBTVQH và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật. Trên cơ sở kết luận của UBTVQH và các ý kiến tại Hội nghị, UBTVQH chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 chương, 54 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 31 điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 09 điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 05 điều và bỏ 03 điều; đồng thời bãi bỏ 02 điều của Luật Công nghệ thông tin; sửa đổi 01 ngành nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư; sửa đổi 01 tên phí thuộc Danh mục Phí, Lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí.
Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và các ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và ý kiến các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật gồm 12 chương, 115 điều, tăng 04 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Những nội dung của dự án Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: tên gọi; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; các quy định về tổ chức quản trị tài sản, tài chính, tài sản góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX; việc thành lập doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX; việc góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp; hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ; chế độ kế toán…
Luật Phòng thủ dân sự
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS). Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 chương, 57 điều, Những nội dung lớn của dự thảo Luật được các ĐBQH quan tâm bao gồm: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động PTDS; Chính sách của Nhà nước trong PTDS; Về các dạng thảm họa, sự cố; đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố và cấp độ PTDS; xây dựng hệ thống công trình PTDS; trang bị PTDS; theo dõi, giám sát nguy cơ, thông tin về thảm họa, sự cố; đào tạo, huấn luyện, diễn tập PTDS; thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ PTDS; Phân công, phân cấp trách nhiệm PTDS; các biện pháp được áp dụng trong PTDS cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4; hoạt động khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; Hoạt động chỉ đạo, điều hành; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS; lực lượng PTDS; Quỹ PTDS; bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố; trách nhiệm quản lý nhà nước về PTDS.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) nhằm thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tại Phiên họp thứ 21, UBTVQH đã đồng ý bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.
Theo dự án Luật, một số nội dung của Luật CAND đã được sửa đổi, bổ sung như: sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác; trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định; bổ sung quy định cụ thể về 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá; bổ sung quy định UBTVQH định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với đơn vị được thành lập mới…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ. Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (4/2023), UBTVQH đã đồng ý bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.
Dự thảo Luật gồm 03 điều, trong đó sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, tập trung vào nhóm nội dung cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật); sửa đổi 07 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào nhóm nội dung tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc