Sáng 28/5, tại Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến thương mại vào Hà Tĩnh.
Sáng 28/5, tại tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến thương mại vào Hà Tĩnh. Hội nghị do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.
Tham dự có: nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại diện Đại sứ quán: Lào, Hoa Kỳ, Singapore, một số tổ chức quốc tế, một số tỉnh của Lào, Thái Lan, các hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch cho tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết, Hà Tĩnh nằm trên trục giao thông Bắc - Nam; là cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Hà Tĩnh đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; là tỉnh thứ hai của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch.
Với chủ đề "Hà Tĩnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng", Hội nghị cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, các danh mục dự án ưu tiên của tỉnh tới nhà đầu tư.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, những định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Hà Tĩnh bao gồm: Lĩnh vực công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may.
Lĩnh vực dịch vụ - du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics…
Lĩnh vực nông nghiệp là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ và các vùng chuyên canh. Đối với lĩnh vực đô thị là các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Sau khi đại diện lãnh đạo Chính phủ trao Quyết định Quy hoạch tỉnh cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện một số đại biểu trong nước và quốc tế đã phát biểu tham luận.
Ông Arnaud Ginolin, thành viên Hội đồng Thành viên, lãnh đạo khối Tư vấn Chính sách công và khối ngành Công nghiệp BCG Việt Nam đã phát biểu tham luận về "Tính khả thi của các mục tiêu và lý do Hà Tĩnh lựa chọn để phát triển". Ông Arnaud Ginolin đánh giá, Quy hoạch tỉnh là bản quy hoạch tiến bộ, cùng với lợi thế khác biệt (các ngành sản xuất chế tạo, kinh nghiệm phát triển nhanh và thành công các dự án quy mô lớn hàng đầu, các di sản văn hóa - lịch sử), Chiến lược kinh tế - xã hội rõ ràng cho năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Chiến lược và tầm nhìn "Tăng trưởng xanh Hà Tĩnh" hướng đến phát triển bền vững về cả kinh tế, xã hội và môi trường; tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng: Sản xuất thép và các ngành phụ trợ, Nông nghiệp, Logicstics và Du lịch. Các dự án "mỏ neo" đã được xác định cho phát triển đột phá, đó là mở rộng hơn nữa tổ hợp công nghiệp tại Vũng Áng, Năng lượng tái tạo và LNG, Cảng biển và các trung tâm logicstics, Phát triển đô thị và du lịch.
Theo ông Arnaud Ginolin, đây là hành trình đầy hoài bão, theo hướng phát triển xanh, mang tính thực tiễn, tập trung vào những ngành chủ chốt, với việc lựa chọn những dự án "mỏ neo" sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư thời gian tới, cùng với đó là "xanh hóa" các ngành công nghiệp nặng, "sản xuất xanh"… Về logicstics, với việc hướng tới mở rộng cảng Vũng Áng sẽ góp phần tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, khu vực Đông Nam Á, châu Á và xa hơn.
Với tham luận: "Biến đổi khí hậu: Cơ hội và Thách thức đối với tỉnh Hà Tĩnh - Quan điểm của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)", ông Hervé Conan, Giám đốc quốc gia AFD đã có những chia sẻ, bày tỏ tin tưởng, Quy hoạch tỉnh sớm là điểm nhấn quan trọng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội của Hà Tĩnh. Những tác động của biến đổi khí hậu có thể là cản trở trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Do đó phải tính tới các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hình thái khí hậu cực đoan trong tương lai, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, quy hoạch vùng, quản lý lưu vực sông, phát triển đô thị phù hợp...., cần chuẩn bị cho việc quản lý giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu "dấu chân carbon" với môi trường…
Đánh giá cao tiềm năng về năng lượng tái tạo, kinh tế biển… của Hà Tĩnh, trên tinh thần đồng hành cùng Việt Nam hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển thế giới bền vững hơn, AFD sẵn sàng đồng hành chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế để Hà Tĩnh thực hiện Quy hoạch này.
Tham luận "Hợp tác giữa Đại học quốc gia Hà Nội với tỉnh Hà Tĩnh cùng các Doanh nghiệp trong thu hút đầu tư về khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để triển khai Quy hoạch tỉnh", Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra một số bài toán chính và khung chương trình hành động để phát triển bền vững đối với tỉnh Hà Tĩnh như: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức, phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và đề xuất hợp tác với tỉnh Hà Tĩnh cùng các doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới như: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển văn hoá và phát huy các giá trị di sản, phát triển du lịch cộng đồng và lĩnh vực chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT có tham luận về "Định hướng, giải pháp về chuyển đổi số để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050". Theo ông Trương Gia Bình, Tập đoàn FPT sẽ trở thành một người bạn đồng hành, chung thủy, nghĩa tình đối với tỉnh Hà Tĩnh. FPT đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số nhằm góp phần giúp tỉnh đạt được tầm nhìn, mục tiêu trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 như: Xây dựng hệ sinh thái, chuỗi giá trị số cho ngành trọng điểm, đầu tư công nghệ và nền tảng dữ liệu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số, thúc đẩy sáng tạo…
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc