Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Qua những miền di sản Việt Bắc

10:23, 22/09/2023

Chiến khu Việt Bắc xưa gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lạng Sơn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đây là an toàn khu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Nay, sáu tỉnh chiến khu đang phát huy tiềm năng, thế mạnh về di tích lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Lán Nà Nưa, điểm đến trong hành trình về nguồn của du khách trong và ngoài nước

Năm 2008, Hội nghị xúc tiến tuyến du lịch đường thủy Bắc Mê-Na Hang-Ba Bể giữa ba tỉnh Hà Giang-Tuyên Quang-Bắc Kạn được tổ chức tại huyện Bắc Mê (Hà Giang) nhằm đánh giá tiềm năng và vai trò của lòng hồ thủy điện Tuyên Quang trong kết nối tuyến du lịch của ba tỉnh. Đây là khởi phát của chuỗi sự kiện Chương trình "Du lịch qua những miền di sản", là khởi đầu cho các sự kiện liên kết hợp tác phát triển du lịch của khu vực Việt Bắc.

Từ năm 2010, sáu tỉnh Việt Bắc đã thống nhất đổi chủ đề Chương trình du lịch "Qua những miền di sản" thành "Qua những miền di sản Việt Bắc" với quy mô cấp khu vực và được tổ chức thường niên với hình thức quay vòng, luân phiên.

Qua 14 năm triển khai chương trình hợp tác du lịch, các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc đã có nhiều nỗ lực hợp tác, liên kết triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, với những hoạt động hấp dẫn, tạo hiệu ứng lớn trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Bắc.

Các tỉnh chiến khu Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, với hệ thống những điểm di tích quan trọng của quốc gia, như: ATK Pác Bó (Cao Bằng), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), là địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng; nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, với các phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc; có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ, những địa danh nổi tiếng như: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình (Tuyên Quang),… được đánh giá là điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Qua 14 năm triển khai chương trình hợp tác du lịch, các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc đã có nhiều nỗ lực hợp tác, liên kết triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, với những hoạt động hấp dẫn, tạo hiệu ứng lớn trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Bắc.

Mỗi tỉnh đều có cách thức tổ chức quảng bá riêng, có chương trình kế hoạch cụ thể gắn kết các chuỗi sự kiện của tỉnh và của các tỉnh trong khu vực tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền quảng bá. Bước đầu có hiệu quả trong công tác phát triển du lịch, hình thành và kết nối chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh; thu hút các doanh nghiệp du lịch hợp tác, trao đổi liên kết phát triển thị trường khách du lịch.

Trong giai đoạn 2009-2022, các tỉnh Việt Bắc đã thu hút hơn 71 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm. Thu nhập xã hội du lịch đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, góp phần đóng góp vào GRDP của mỗi tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương. Hình ảnh du lịch Việt Bắc đã dần dần được nhiều người biết đến.

Trong bề dày truyền thống lịch sử và thành quả cách mạng của vùng chiến khu, tỉnh Tuyên Quang vinh dự là Trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước năm 1945 nổi bật là: Hội nghị toàn quốc của Đảng phát lệnh Tổng khởi nghĩa và lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền; Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội ngày nay; thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca của đất nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang còn là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Đây là Đại hội của Đảng đầu tiên được tổ chức ở trong nước và là Đại hội duy nhất tổ chức ngoài Thủ đô Hà Nội.

Tuyên Quang còn là vùng đất "sơn kỳ, thủy tú" với hơn 650 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Kim Bình; di sản Then của người Tày-Nùng-Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ hội Thành Tuyên, một lễ hội riêng có của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam; Quảng trường Nguyễn Tất Thành, công trình duy nhất của Việt Nam và đứng thứ năm trong số 11 công trình của châu Á đạt giải thưởng phong cảnh thành phố châu Á-Tinh hoa của núi rừng năm 2022; suối khoáng nóng Mỹ Lâm; hồ sinh thái Na Hang-Lâm Bình, với diện tích hơn 8.000 ha mặt nước và hệ sinh thái rừng nguyên sinh, nhiều động, thực vật quý hiếm cùng hệ thống thác nước, hang động kỳ thú, núi non hùng vĩ,…

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực, cùng hợp tác, liên kết triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Nổi bật là các chương trình hợp tác quốc tế với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc); ở trong nước, tỉnh Tuyên Quang cũng đã ký kết các Chương trình hợp tác Hà Nội-Tuyên Quang-Hà Giang; Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc (gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc) để đưa du lịch phát triển.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển, du lịch của các tỉnh trong vùng, trong đó có tỉnh Tuyên Quang chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhân lực du lịch trong vùng còn thiếu, chất lượng chưa cao; hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ; chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn; thiếu nhà đầu tư chiến lược; hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối giữa các khu, điểm du lịch trong vùng chưa đồng bộ. Đây là những "điểm nghẽn", "rào cản" cần được tháo gỡ để du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Các tỉnh trong vùng tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu của Chiến khu Việt Bắc, có khả năng cạnh tranh cao trong nước và quốc tế như du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch nông-lâm nghiệp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đặc biệt chú trọng đến loại hình sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống, yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.

Tại Hội thảo "Tiềm năng, nguồn lực và hiện trạng liên kết phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc" được tổ chức tại Tuyên Quang tháng 4 năm 2023, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã đề nghị các tỉnh Việt Bắc: Phát triển du lịch vùng phải có trọng tâm, trọng điểm, từng bước chuyên nghiệp; đồng thời gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, các giá trị sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo đảm quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Các tỉnh trong vùng tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu của Chiến khu Việt Bắc, có khả năng cạnh tranh cao trong nước và quốc tế như du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch nông-lâm nghiệp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đặc biệt chú trọng đến loại hình sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống, yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.

Năm nay, Chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc" được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc, hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ Khai mạc với chủ đề "Hành trình qua những miền di sản"; Liên hoan các Làng văn hóa du lịch cộng đồng sáu tỉnh Việt Bắc; Chương trình Điện ảnh-kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang; Hội chợ Thương mại-Du lịch; Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt và Lễ hội bia Hà Nội; Thi đấu các môn thể thao.

Đây là những điểm nhấn quan trọng để quảng bá tiềm năng du lịch, đồng thời, là cơ hội để tỉnh Tuyên Quang gửi thông điệp về khát vọng phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần sớm đưa Tuyên Quang trở thành "tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc"

Nguồn: Nhân dân


Ý kiến bạn đọc