Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội

07:23, 31/10/2023

Phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được truyền hình trực tiếp vào lúc 14h00 trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, sáng 31/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về:

+ Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

+ Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

+ Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

+ Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

+ Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Các thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được truyền hình trực tiếp vào lúc 14h00 ngày 31/10 trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân theo dõi!

Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023

Trước đó, ngày 23/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỉ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỉ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết.

Bên cạnh đó sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả. Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Mục tiêu tổng quát 2024 sẽ tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Trong năm 2024, 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội: Tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4%GDP.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc