Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.
Sáng 28/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Huy động vốn tăng hơn 33%
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.
Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, Chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán.
Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 công ty chứng khoán đang hoạt động có tỉ lệ an toàn tài chính trên 180%. 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương
Trong năm 2024, bà Vũ Thị Chân Phương đánh giá năm nay sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.
Năm nay, ngành chứng khoán sẽ tập trung vào quản lý điều hành thị trường chứng khoán đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.
Ngoài ra là nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Mục tiêu nâng hạng vào 2025
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 1/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
"Quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tích lũy được nhiều mặt, đến giai đoạn hiện nay, thị trường rất cần có bước phát triển mới, cụ thể là việc được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế", ông Chi nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong năm 2024 sẽ tập trung xử lý vấn đề về yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, quy định các nhà đầu tư nước ngoài đều phải thực hiện ký quỹ 100% trước khi giao dịch, đây là rào cản cần giải quyết nếu như muốn nâng hạng thị trường.
"Bộ Tài chính đã phối hợp với các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế cũng như các thành viên thị trường xem xét, đánh giá và chúng tôi sẽ trình cấp có thẩm quyền một phương án tốt và khả thi để xử lý vấn đề này trong năm 2024 để giải quyết vấn đề ký quỹ trước khi giao dịch theo khuyến nghị của các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế. Đó là vấn đề chúng tôi cho rằng rất quan trọng và cốt yếu của năm 2024", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định.
Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi
Thứ hai, yêu cầu của các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế là phải minh bạch và rất rõ ràng về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp niêm yết giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính sẽ có quy định yêu cầu doanh nghiệp niêm yết cập nhật và công bố thông tin một cách rõ ràng, đồng thời minh bạch với các nhà đầu tư nước ngoài về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường".
Thứ ba là vấn đề minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Việc này Bộ Tài chính sẽ triển khai ngay trong nửa đầu năm 2024, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết cũng như sắp xếp các bước đi phù hợp nhất để kết thúc năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết cơ bản phải công bố thông tin của mình theo quy định trên thị trường bằng hai thứ tiếng.
Thứ tư là Bộ Tài chính sẽ chủ động để đưa hệ thống giao dịch chứng khoán mới vào vận hành và bảo đảm yêu cầu của giao dịch thanh toán lưu ký của thị trường chứng khoán.
Nguồn: VTV.VN
Ý kiến bạn đọc