Những năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ IELTS được xem là “giấy thông hành” tuyển thẳng vào lớp 10 của nhiều địa phương dẫn đến thực trạng học sinh đổ xô đi học, luyện thi IELTS. Việc tuyển thẳng của các địa phương vừa không đúng quy chế, vừa tạo ra sự bất bình đẳng giữa học sinh các vùng.
Một buổi học ở Trung tâm luyện thi IELTS tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh THU PHƯƠNG) |
Thời gian qua, một số địa phương khi thực hiện công tác tuyển sinh và phê duyệt kế hoạch, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025 có thêm một số nội dung không đúng quy định về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên như giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, không đúng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không phù hợp yêu cầu học tập bậc THPT.
Thầy giáo Phan Đình Trường, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho biết, trong quá trình hội nhập, tiếng Anh là môn học quan trọng nhưng điều đó không có nghĩa là ngoại ngữ sẽ quyết định và thay thế toàn bộ những mảng kiến thức khác. Có chứng chỉ IELTS là một lợi thế nhưng việc luyện thi IELTS chỉ nên áp dụng với những ngành liên quan đến ngôn ngữ, các chương trình liên kết tiếng Anh hoặc những học sinh có nhu cầu đi du học, xét tuyển vào các trường đại học. Khi người học xác định được mục tiêu sẽ tránh hiện tượng học sinh các cấp đổ xô học theo phong trào, học xong ít vận dụng.
Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Lý, Trường tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, tuyển sinh chỉ dùng tiếng Anh mà bỏ qua các môn khác là sai quy định. Tiếng Anh chỉ là công cụ, học sinh không thể chỉ giỏi tiếng Anh mà không có kiến thức đa ngành nghề. Trong môi trường làm việc, không có cơ quan hay doanh nghiệp nào muốn tuyển dụng người lao động chỉ biết ngoại ngữ mà không có chuyên môn.
Nếu trẻ đua nhau học tiếng Anh đạt IELTS 4.0 để có “vé” vào lớp 10 thì không khác nào bảo dừng học các môn học khác, chỉ cần thi tiếng Anh là xong. Cô giáo Nguyễn Bích Thủy, Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (Hải Phòng) cho rằng, IELTS 4.0 chỉ ở ngưỡng đầu B1. Mức này tương đương học sinh lớp 6, 7 ở các thành phố lớn. Việc bỏ các môn khác mà chỉ học mỗi tiếng Anh thì học sinh cũng không thành công được trong cuộc sống sau này.
Theo cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh, giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường trung học phổ thông Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội), IELTS là một bài kiểm tra về năng lực tiếng Anh thiên về hướng học thuật, đòi hỏi người học có vốn hiểu biết về những vấn đề kinh tế, xã hội để thể hiện trình độ ngoại ngữ của mình. Vì vậy, phụ huynh nên bắt đầu cho con học từ lớp 10, nhất là lớp 11 vì đây là thời điểm thích hợp nhất để học IELTS sau khi các con đã thích nghi với môi trường học tập ở cấp trung học phổ thông và chưa bị áp lực về thi cử như học sinh lớp 12. Ở độ tuổi này, các con có nhiều cơ hội để tìm kiếm và lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả nhất cho bản thân.
Là trường tư thục, mặc dù được tự chủ trong tuyển sinh, nhưng trong phương án tuyển sinh năm học 2024-2025 của Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lômônôxốp (Hà Nội) đã mạnh dạn bỏ phương thức tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS. Theo đại diện Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lômônôxốp, các năm trước, trường dành 5% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng học sinh có IELTS (khoảng 20 chỉ tiêu), nhưng năm học tới, trường không sử dụng phương thức này.
Việc không tuyển thẳng học sinh có IELTS góp phần tránh lãng phí cho phụ huynh và giúp những học sinh, gia đình khó khăn, không đủ kinh phí học và thi IELTS có nhiều cơ hội vào trường hơn.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Anh Quân, phụ huynh học sinh Trường trung học cơ sở Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS không phù hợp bởi tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ. Bài thi IELTS chưa đủ để phản ánh chất lượng toàn diện cũng như nền tảng kiến thức của học sinh ở các môn học. Trong khi đó, giáo dục THCS là nền tảng để học sinh phát triển toàn diện.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ dẫn đến những hệ lụy như làm tăng gánh nặng, áp lực; tạo sự bất bình đẳng cho học sinh trong khi thời hạn sử dụng của chứng chỉ IELTS chỉ kéo dài hai năm. Không những thế, chi phí luyện và thi IELTS không rẻ, các trung tâm luyện thi chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, vì vậy việc tiếp cận đối với các bạn học sinh là vô cùng khó khăn.
Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, học ngoại ngữ là chủ trương lớn của đất nước, giúp trang bị cho học sinh một năng lực để các em có điều kiện tiếp cận nguồn tri thức trong nước và hội nhập quốc tế. Việc khuyến khích học ngoại ngữ đã được thực hiện trong những năm qua và đến thời điểm này, học sinh ở lứa tuổi học trung học phổ thông có những thay đổi rõ rệt so với trước đây về mặt ngoại ngữ. Việc các em có thể đọc trên mạng, vào các website quốc tế tìm kiếm tài liệu để học đã tốt hơn so với trước đây rất nhiều.
Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân của học sinh, học để dùng đó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc chứ không phải học với mục đích thi lấy chứng chỉ để được tuyển thẳng hay ưu tiên trong tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, trong đó có bổ sung những nội dung ngoài quy định cho nên đã yêu cầu chấm dứt, điều chỉnh để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo quy chế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện đúng quy định tuyển sinh vào lớp 10; chấm dứt tình trạng xét tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS và giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố.
Nguồn: Nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc