Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Truyền hình trực tiếp: Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

11:05, 29/05/2024

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Ngày 29/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về:

+ Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

+ Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

+ Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên thảo luận của Quốc hội được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp buổi sáng từ 8h00 và buổi chiều từ 14h00 ngày 29/5 trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề. Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển.

Truyền hình trực tiếp: Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động KT-XH diễn ra sôi động hơn. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 . Thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 01, 02 và các Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước; tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu; phát triển du lịch; xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Chính phủ đã làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KT-XH; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia theo tinh thần "ba ca, bốn kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất . Nhìn chung, tình hình KT-XH những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực.

Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, là điểm sáng "ấn tượng"; phối hợp hiệu quả giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển.

Chính phủ đã thực hiện hiệu quả các chương trình đối ngoại cấp cao, đưa quan hệ hợp tác song phương vào chiều sâu, thực chất và phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương. Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; các cam kết, thỏa thuận được thực hiện tích cực. Công tác bảo hộ công dân được triển khai kịp thời.

"Vị thế và uy tín của nước ta ngày càng được nâng lên" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc