Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

14:15, 12/05/2024

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; việc thí điểm cơ chế đặc thù tại Đà Nẵng, Nghệ An...

Theo dự kiến, Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13/5/224 - 15/5/2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để tiến hành: (1) Cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (2) Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; (3) Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; (4) Xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ: (1) Cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; (2) Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; (3) Cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2024; (4) Tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; (5) Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; (6) Cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ: (1) Cho ý kiến về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Liên quan đến dự án Luật PCCC và CNCH (sửa đổi), tại Nghị quyết số 42/NQ-CP, Chính phủ đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, bảo đảm các yêu cầu sau:

Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, chủ đầu tư; không gây xung đột với luật khác, nhất là các luật mới ban hành. Có cơ chế chuyển tiếp đối với các dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện; đề cao công tác phòng ngừa, bảo đảm an toàn PCCC. Những nội dung còn chưa ổn định cần giao Chính phủ quy định nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Có chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất trang, thiết bị PCCC và CNCH tại Việt Nam.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Bộ Công an thống nhất điều chỉnh hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự.

Về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, Chính phủ đề nghị rà soát, quy định bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam; khuyến khích tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài có quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy cao hơn Việt Nam.

Về yêu cầu có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy đối với công trình cải tạo, Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, phân loại rõ công trình cải tạo đến mức nào mới phải có giải pháp, thiết kế PCCC nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh gây vướng mắc trên thực tế.

Về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm tra, thẩm định thiết kế PCCC, nghiệm thu, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thống nhất quy định này theo hướng đồng bộ với pháp luật về xây dựng; bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện "một cửa liên thông" để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đối với các công trình, cơ sở, phương tiện của quân đội, giao Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý, có cơ chế phối hợp với Bộ Công an.

Về miễn trừ các thủ tục với cơ quan đại diện, Bộ Công an nghiên cứu, xem xét quy định theo nguyên tắc có đi, có lại.

Về quy định chuyển tiếp, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, thống nhất bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các quy hoạch, hồ sơ dự án, công trình đang trong quá trình thực hiện, tránh gây vướng mắc trong thực tiễn; lưu ý giải pháp xử lý đối với công trình hiện hữu không bảo đảm về PCCC và giao Chính phủ quy định cho phù hợp với thực tế để các bộ, địa phương có căn cứ thực hiện giải pháp kỹ thuật khắc phục những vướng mắc, tránh lãng phí nguồn lực.

Chính phủ đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật PCCC và CNCH (sửa đổi) theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề và theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội khóa XV dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7.

Nguồn: VTV.VN


Ý kiến bạn đọc