Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Sáng nay (5/9), hơn 20 triệu học sinh dự khai giảng năm học mới 2024-2025

07:14, 05/09/2024

Đây là năm học đánh dấu việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn tất chu trình với các lớp học cuối cùng.

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường gồm hai phần:

Phần lễ: được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn), đọc thư của Chủ tịch nước,...

Phần hội: tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.

Năm học 2024-2025

Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động: 1.659.589

Tổng số cơ sở giáo dục: 53.979

Tổng số học sinh, sinh viên: 25.255.251. Trong đó có 2.068.522 sinh viên.

Về việc tổ chức hoạt động đầu năm học: Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau lễ khai giảng; hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo an ninh, an toàn trường học ngay từ những ngày đầu năm học; phối hợp tốt với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành Giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường kết thúc học kỳ I trước ngày 18/1/2025, hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2025, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2025, hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2025.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27/6/2025.

Ngày 4/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi Thư tới ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025

Hà Nội sẵn sàng mọi điều kiện cho năm học mới

Gần 2,3 triệu học sinh Thủ đô sắp bước vào năm học 2024 - 2025. Để chuẩn bị cho năm học mới và chương trình mới, các trường học đã hoàn tất công tác chuẩn bị về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.

Năm học 2024 - 2025 là một năm học rất đặc biệt khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện đối với tất cả các khối lớp. Đây cũng là năm chuẩn bị tổ chức đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2020 - 2025.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra yêu cầu cao trong công tác đổi mới của các nhà trường và đội ngũ giáo viên. Trong thời gian nghỉ Hè và đặc biệt, trước thềm năm học mới, chương trình tập huấn diễn ra càng nhiều hơn, đòi hỏi giáo viên phải năng động, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Sáng nay (5/9), hơn 20 triệu học sinh dự khai giảng năm học mới 2024-2025 - Ảnh 3.

Học sinh Hà Nội hào hứng đón chào năm học mới. Ảnh: Báo KTĐT

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, các trường tiểu học tại Hà Nội thực hiện thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh. Để thầy cô làm quen và triển khai thực hiện tốt nội dung này, sở đã tổ chức tập huấn cho hơn 300 cán bộ, giáo viên đến từ 76 trường tiểu học trên địa bàn TP. Bằng sự hướng dẫn bài bản cả về lý thuyết và thực hành, các chuyên gia đã giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục kỹ năng công dân số trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học; đồng thời thống nhất nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức ở các nhà trường.

Sau khi thực hiện thí điểm thành công học bạ số cấp tiểu học, từ năm học 2024 - 2025, tất cả trường phổ thông tại Hà Nội cũng triển khai học bạ số. Đây là bước đi cần thiết, hợp lý để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Với tinh thần đó,

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, để chuẩn bị tốt các nội dung chuẩn bị đón năm học 2024 - 2025, nhất là với lớp 9 và lớp 12, ngành giáo dục Hà Nội tập trung chuẩn bị tốt mọi điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT; đồng thời sớm công bố ma trận đề thi, định dạng cấu trúc và đề thi tham khảo kỳ thi lớp 10 THPT 2025 - 2026.

Trong năm học 2024 - 2025, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh với hơn 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Trước thực tế số học sinh toàn TP mỗi năm tăng từ 40.000 - 60.000 em, với mục tiêu không để học sinh nào thiệt thòi, ngay khi kết thúc năm học 2023 - 2024, chính quyền các cấp, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có những giải pháp kịp thời, bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4/9/2024 về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

TP Hồ Chí Minh đảm bảo 100% học sinh có đủ chỗ học

Là một trong 2 địa phương có số học sinh đông nhất cả nước, năm nay TP Hồ Chí Minh dự kiến có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng hơn 24.000 em so với năm học trước. Tăng học sinh là một trong những áp lực của TP Hồ Chí Minh trong những năm qua, nhất là tại những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao như TP Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

Việc TP Hồ Chí Minh tăng bình quân mỗi năm thêm khoảng 25.000 học sinh làm sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, nhất là cấp tiểu học. Điều này dẫn đến tăng biên chế, hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Tuy vậy, TP Hồ Chí Minh khẳng định vẫn đảm bảo 100% học sinh có đủ chỗ học. Trong năm học 2024-2025, thành phố dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới, tổng mức đầu tư hơn 2.237 tỷ đồng.

Trước mắt, ngày 5/9, TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới, tổng mức đầu tư hơn 1.970 tỷ đồng. Số còn lại sẽ đưa vào sử dụng dần đến tháng 12/2024. Số phòng học mới này dành nhiều nhất cho bậc tiểu học, tiếp đến là THCS và mầm non. Bên cạnh xây mới, TP Hồ Chí Minh cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, mua sắm trang bị cơ sở vật chất - đồ dùng dạy học.

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT đợt 1 và phân công các trường hợp trúng tuyển về đơn vị nhận nhiệm vụ.

Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đánh giá một trong những khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay là nguồn tham gia tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu tại vị trí giáo viên tiếng Anh (tiểu học), Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ và một số vị trí nhân viên trường học.

Đà Nẵng nỗ lực bố trí đủ giáo viên đứng lớp

Theo tổng hợp của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, so với năm học 2023-2024, năm học này bậc học Mầm non tăng 95 nhóm trẻ; bậc Tiểu học giảm lớp vùng 2 (giảm 14 học sinh) nhưng tăng 170 lớp vùng 3 (tăng 3.244 học sinh); bậc Trung học cơ sở tăng 147 lớp; bậc Trung học phổ thông tăng 13 lớp.

Sáng nay (5/9), hơn 20 triệu học sinh dự khai giảng năm học mới 2024-2025 - Ảnh 5.

Đón học sinh lớp 1 tại thành phố Đà Nẵng tới trường. (Ảnh: TTXVN)

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, tuyển dụng và luân chuyển giáo viên, sách giáo khoa, tuyển sinh… để đón năm học mới 2024-2025.Về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại các trường tiểu học, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 98,3 % học sinh học 2 buổi/ngày. Trong số đó, khối 1, 2, 3 và 4 có 100% học sinh được học 2 buổi/ngày; khối 5 có 5/7 quận, huyện (gồm Hải Châu, Thanh Khê, Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà) đảm bảo 100% học sinh lớp 5 được học 2 buổi/ngày; riêng quận Liên Chiểu đạt 91,2%, quận Cẩm Lệ đạt 89,9% (do ở khu công nghiệp, học sinh tăng cơ học nhanh nên việc xây dựng phòng học chưa đáp ứng kịp thời).

Dự kiến năm học 2024-2025 các quận, huyện tập trung, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất, để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện chương trình ở cấp Tiểu học; xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng; ưu tiên bố trí phòng học để 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, năm học 2024-2025, thành phố có khoảng 290.300 trẻ mầm non và học sinh phổ thông nhập học, trong đó có hơn 65.500 trẻ mầm non, hơn 224.800 học sinh phổ thông (khoảng 21.300 học sinh lớp 1).

Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục.

Trong trường hợp trung ương không hoặc chưa kịp bổ sung thì Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định bổ sung số lượng người làm việc còn thiếu so với định mức bằng hợp đồng lao động theo quy định.

Đối với việc tuyển dụng viên chức, theo phân cấp của Ủy ban Nhân dân thành phố, sau khi được phê duyệt chỉ tiêu Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện sẽ chủ động tổ chức tuyển dụng.

Năm học đặc biệt

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2023 - 2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông, với tổng số khoảng 18,5 triệu học sinh. Các tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế cơ bản đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của Chương trình.

Sáng nay (5/9), hơn 20 triệu học sinh dự khai giảng năm học mới 2024-2025 - Ảnh 6.

Tất cả đã sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025.

Năm học mới 2024 - 2025 là một năm học đặc biệt - năm khép kín chuỗi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đồng loạt ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đây cũng là năm học diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Với chủ đề: "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương", năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó có các nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, cũng là Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, từ thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đến cung cấp đủ sách giáo khoa... Tất cả đã sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025.

Nguồn: Vtv.vn


Ý kiến bạn đọc