Với nhân dân các dân tộc vùng biên ải Mèo Vạc, Tết Nguyên đán từ lâu đã trở thành cái tết chung, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Vào những ngày này, trong từng bản làng từ biên giới đến nội địa đồng bào trên địa bàn cũng đang tưng bừng phấn khởi đón tết với nhiều kết quả giành được trong năm. Cuộc sống mới với nhiều đổi thay trên những bản làng đã mang lại nhiều niềm vui cho đồng bào các dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về.
Con em đồng bào Mông thôn Nà Nũng A xã Sơn Vĩ phấn khởi đi chơi Tết |
Rộn ràng đón xuân
Nếu có mặt ở các bản làng vùng cao dân tộc chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn mùa Xuân đang về, trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân chúng tôi đã có dịp đến với xã Cán Chu Phìn, một địa phương với 100% đồng bào Mông để cảm nhận rõ niềm phấn khởi của mỗi hộ dân. Với những chính sách quan tâm của Đảng, nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm và các công trình phục vụ đời sống dân sinh đã làm thay đổi căn bản diện mạo các bản vùng cao. Có được kết quả trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế, bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy thế mạnh từ nuôi bò vỗ béo, đi tham gia lao động tại các công ty, doanh nghiệp đã mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Vàng Mí Trạ, Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết: Từ đầu năm 2023 tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và từ công tác xã hội hóa địa phương đã hỗ trợ cho 50 hộ nghèo xây dựng nhà ở. Thực hiện đổ được gần 5km đường bê tông liên thôn. Toàn xã có 470 lao động đang đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Nhân dân rất phấn khởi vì có thêm thu nhập để đón Tết.
Còn tại xã biên giới Sơn Vĩ, địa phương cách xa trung tâm huyện nhất. Toàn xã có 9/19 thôn tiếp giáp với khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đón Xuân Giáp Thìn năm nay bà con ăn Tết vui hơn vì đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Diện mạo nông thôn trên địa bàn xã nay đã khang trang hơn, nếu như trước đây những con đường liên thôn, nội thôn, chỉ toàn là đường đất, những ngày mưa, đường trơn trượt khiến Nhân dân đi lại khó khăn. Nhưng từ khi có Chương trình xây dựng NTM, MTQG được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, bà con hiến đất, góp tiền, ngày công làm đường, tham gia cải tạo vườn tạp... Hiện nay, hầu hết các tuyến đường liên thôn, nội thôn đã cơ bản được đổ bê tông sạch đẹp, con em đi học thuận tiện, nhiều hộ dân đã mua được xe máy, bà con vui mừng đi thăm hỏi, chúc tết nhau cũng dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Anh Giàng Mí Già, Trưởng thôn Cò Súng, xã Sơn Vĩ phấn khởi chia sẻ.
Nhân dân thôn Nia Do xã Giàng Chu Phìn tham gia trò chơi đẩy gậy ngày Xuân |
Thôn, bản không ngừng đổi mới
Trong năm 2023, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số hăng hái mở rộng sản xuất. Từ đây, những mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng khơi dậy tinh thần hăng say lao động, phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Người dân thôn Khai Hoang 3, xã Xín Cái phấn khởi khi nhận được hỗ trợ dê giống chăn nuôi |
Bà Lầu Thị Mỷ, Bí thư Chi bộ Há Póng Cáy, xã Sủng Trà tự hào: “Tết năm nay, đồng bào dân tộc Mông trong thôn phấn khởi vì cuộc sống đã dần ổn định hơn trước. Nhiều gia đình đã mở rộng diện tích trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi gia cầm xây dựng được nhà cửa khang trang, với mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định. Bà con đoàn kết phấn đấu lao động sản xuất, góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương ngày thêm phát triển. Mỗi hộ dân cũng mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con ai cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Sủng Trà: Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các thôn, bản làm tốt công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, trang trí Tết tại trung tâm xã và thôn. Trên tinh thần tiết kiệm, tận dụng các vật liệu sẵn có và vận động các nhà tài trợ ủng hộ kinh phí để thực hiện việc trang trí tết, nhằm tạo không khí phấn khởi cho người dân đón chào năm mới. Đối với các công trình phúc lợi, an sinh xã hội cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành sớm để phục vụ bà con. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong những ngày vui xuân, đón tết.
Theo ông Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, địa bàn huyện hiện có 17 dân tộc cùng sinh sống chủ yếu là Mông, Tày, Giáy, Lô Lô... Mỗi dân tộc, địa phương đều có đặc trưng riêng xong nhân dân luôn nêu cao tinh thần phấn khởi, vui tươi, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc với khí thế mới và tin tưởng về những thành tựu mới. Cùng với công tác chăm lo Tết cho đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà... huyện cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, văn hóa văn nghệ, trò chơi đậm đà bản sắc dân tộc để bà con tham gia. Ngoài ra, các sự kiện cũng sẽ là hoạt động kích cầu du lịch huyện phát triển.
Một mùa Xuân mới đang về mang theo nhiều niềm vui và hy vọng. Cùng với đó sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền địa phương, đồng bào vùng cao Mèo Vạc sẽ đón Tết trong không khí hân hoan, đầm ấm, hứa hẹn một năm với nhiều thành công, thắng lợi mới.
Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc