Bữa cơm tất niên từ lâu đã trở thành nét đẹp truyền thống không thể thiếu trong gia đình người Việt mỗi dịp tết đến xuân về, là dịp để mọi người quay quần bên nhau, cùng nhau ôn lại công việc trong năm đã qua, thăm hỏi động viên và cùng mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, qua đó tăng cường sự gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình. Khác với mọi năm, tết nguyên đán năm nay diễn ra vào đúng thời điểm dịch covid – 19 đang có diễn biến phức tạp, do đó bữa cơm tất niên được gia đình tổ chức đơn giản gọn nhẹ hơn để phòng chống dịch.
Tết đoàn viên
Gia đình người con gái đang công tác xa quê được về đoàn tụ cùng gia đình trước thời khắc thiêng liêng |
Gia đình ông Nguyễn Văn Khởi thôn Hạ thành, xã phương độ, thành phố Hà Giang, là người dân tộc Tày, có hai người con đã xây dựng gia đình, trong đó có một người con đi công tác xa nhà; đã trở thành thông lệ, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, gia đình lại tổ chức bữa cơm tất niên để mời bạn bè, người thân; nếu như mọi năm gia đình ông thường tổ chức mổ lợn và mời khách khoảng 10 mâm, nhưng do tình hình dịch covid – 19 đang có diễn biến phức tạp năm nay gia đình ông Khởi chỉ làm hai mâm để đoàn tụ con cháu. Tuy nhỏ gọn nhưng bữa cơm tất niên của gia đình vẫn trở nên đầm ấm, đầy cảm xúc, càng ý nghĩa hơn đối với gia đình người con gái đang công tác xa quê được về đoàn tụ cùng gia đình trước thời khắc thiêng liêng, chuẩn bị chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Bữa cơm tất niên của gia đình ông Khởi để mời bạn bè, người thân |
Theo phong tục lễ tết cổ truyền của người Việt, thời khắc cuối cùng của năm cũ, là thời điểm các thành viên trong gia đình, từ già đến trẻ quây quần bên nhau để cùng nhau tri ân đến tổ tiên, ông bà, đồng thời đây cũng là khoảnh khắc thiêng liêng của gia đình tổ chức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn lễ nghi để đón năm mới, với niềm hy vọng về một năm mới có nhiều điều tốt đẹp hơn. Do đó các thành viên trong gia đình dù có bận công tác, lao động và làm việc ở xa quê, mọi người đều hướng về quê hương, bố trí sắp xếp công việc để được về đoàn tụ đông đủ cùng gia đình, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt.
Lại một mùa xuân mới đang về, không khí đón xuân của mọi người, mọi nhà như rộn ràng hơn, khi có đầy đủ tiếng cười của trẻ thơ, niềm vui lộ rõ trên những khuôn mặt của ông bà, cha mẹ, khi bữa cơm tất niên có đầy đủ con cháu về hội tụ để đón xuân. Tết đoàn viên đã trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, sau một năm lao động và làm việc xa cách, trở thành một phong tục đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt, nhằm nhắc nhở con cháu dù có đi xa đến đâu cũng luôn nhớ về cội nguồn dân tộc./.
Văn Bính- Minh Hiệu
Ý kiến bạn đọc