Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Khởi nguồn hoa Tam giác mạch Đồng Văn

14:21, 02/11/2022

Hoa Tam giác mạch Hà Giang, nay không chỉ trở thành một nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của Hà Giang, mà hoa Tam giác mạch đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế cho người dân khi mà tỉnh Hà Giang xây dựng Hoa Tam giác mạch thành biểu tượng của vẻ đẹp, sản phẩm du lịch.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại cánh đồng hoa Tam giác mạch

Cứ vào dịp cuối năm, thời gian từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12 hàng năm, dọc con đường Hạnh phúc (Quốc lộ 4C), hoa Tam giác mạch bắt đầu nở rộ, với những màu hoa trắng hồng lung linh, trải rộng, bát ngát khắp các triền đồi, ruộng bậc thang, các thung lũng… khoác lên sức sống mới giữa vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Ông Vừa Vản Phùa, thôn Chúng Pả A, xã Phố Cáo, là hộ dân tích cực trồng hoa Tam giác mạch và có diện tích trồng lớn nhất vùng Phố Cáo chia sẻ: Nói về cây Tam giác mạch ở Đồng Văn, người dân đã trồng từ rất lâu, nhưng khi đó người dân trồng tự phát chưa có tư duy nhận thức trồng để thu hút khách du lịch, nên trồng không bài bản, nhỏ lẻ, có trồng nhưng không có chăm sóc, trồng để cứu đói lúc giáp hạt và để làm thức ăn cho lợn. Thế nhưng đến nay, suy nghĩ của người dân đã khác, nhận thức đã nâng lên, tư duy đã đổi mới, người dân đã trồng theo quy hoạch phục vụ khách du lịch và thông qua đó người dân đã được hưởng lợi lớn từ cây hoa Tam giác mạch đem lại.

Từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12 hàng năm, dọc Quốc lộ 4C, hoa Tam giác mạch bắt đầu nở rộ

Chúng tôi đi tìm hiểu cuộc “cách mạng” ấy và sự “khởi nguồn của Hoa Tam giác mạch tại Đồng Văn”, được nghe đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy kể lại: “Vào khoảng cuối năm 2012, lúc đó đồng chí với cương vị là Chủ tịch UBND huyện đi công tác tại xã Lũng Cú, khi đi trên đường đồng chí thấy bên kia nương đồi bên cánh đồng Thèn Pả (xã Lũng Cú) có một cụ bà đang thu hái một loài cây có thân nhỏ, hoa nhỏ li ti rất đẹp, màu sắc của hoa tinh khiết lạ thường, trắng hồng pha lẫn màu tim tím. Bên cạnh đó có khoảng 3-5 du khách đang rất thích thú ngắm nghía và chụp ảnh, đồng chí dừng xe lại rồi hỏi cụ bà đang cắt hái, đây là cây hoa gì? bởi khi đó loài cây hoa này chưa phát triển rộng, ít ai để ý, nhất là người ở miền xuôi lên.

Khi đó đồng chí Thịnh mới nhận công tác tại huyện Đồng Văn nên cũng chưa biết đó là cây hoa gì mà nó có màu hoa đẹp lung linh, nhưng rất tiếc cụ bà đó lại không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Việt), sau đó đồng chí cho gọi 01 cán bộ xã ra phiên dịch thì được biết là cây hoa Tam giác mạch, cụ bà cắt đem về cho lợn ăn.

 Cụ bà nói: “trước đây dân vùng này trồng cây này để làm lương thực cứu đói lúc giáp hạt là chính, nhưng giờ hầu hết các hộ dân đã có ngô đủ ăn rồi, nên không trồng cây này nhiều nữa, mà chỉ trồng một ít làm nguồn thực phẩm cho lợn ăn thôi”.

Mặc dù khi đó thời tiết mới cuối thu, nhưng hoa Tam giác mạch đang độ nở đẹp rực rỡ giữa không gian âm u của màu đá xám xịt, không khí se se lạnh trên miền đá xám cùng với thiên nhiên hùng vĩ. Sau những suy nghĩ anh nhận thấy cây hoa này có thể trồng phát triển lên để phục vụ du lịch cho Đồng Văn, sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con địa phương.

Hoa Tam giác mạch đang độ nở đẹp rực rỡ

Đồng chí Trần Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND xã Lũng Cú nhớ lại: Khi đó trên địa bàn xã có cây Tam giác mạch, nhưng lúc đó người dân chủ yếu trồng tự phát, trồng nhỏ lẻ, manh mún để làm thức ăn cho gia súc là chủ yếu, một số hộ dân trồng để thu lấy hạt làm bánh ăn cứu đói lúc giáp hạt.

Ngay sau đó đồng chí Thịnh đã có buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền xã, đồng chí đã chỉ đạo xã giao cho cán bộ và giáo viên của xã triển khai trồng thí điểm và giao phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phối hợp với xã nghiên cứu, khảo sát và có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, huyện bố trí hỗ trợ kinh phí và giống.

Kết quả sau một thời gian trồng thí điểm, do được chăm sóc đúng kỹ thuật, hoa ra rất đẹp, màu của loài hoa này cũng biến đổi theo từng giai đoạn, khi mới nở hoa có màu trắng tinh khiết, sau chuyển sang phớt hồng, rồi chuyển sang tím đỏ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuân, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện nhớ lại: Năm 2014, thực hiện ý kiến đề xuất của đồng chí Hoàng Văn Thịnh tại phiên họp của UBND huyện, đồng chí đã đề xuất về phát triển cây hoa Tam giác mạch trên địa bàn huyện để phát triển du lịch, vừa làm nguyên liệu sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch. Được sự đồng ý của UBND huyện và sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy, ngay sau đó huyện Đồng Văn đã triển khai trồng và nhân rộng, lúc đó chủ yếu trồng dọc theo trục đường quốc lộ 4C và trồng tại một số xã trọng điểm như: Sủng Là, Sà Phìn, Phố Cáo, Phố Bảng, Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn…

Lễ hội "Hoa Tam giác mạch" tỉnh Hà Giang lần thứ 8 năm 2022 sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh; dự kiến khai mạc vào 20h00’ ngày 26/11/2022 tại huyện Đồng Văn

Để tạo thành phong trào huyện đã tổ chức phát động trồng hoa tam giác mạch, thông qua đó đã tạo được sức lan tỏa từ huyện đến xã, đến thôn, ngày thứ 7, chủ nhật đồng loạt cán bộ huyện, cán bộ xã, giáo viên, các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đều hăng hái xuống cơ sở giúp trồng và tạo hình, ngành chuyên môn thì tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ngành văn hóa thì hướng dẫn cách trồng tạo hình cho đẹp với từng khu vực, phù phợp với những triền đồi, khe đá, thung lũng… để tạo thành phong trào. Đồng thời, huyện tổ chức Hội thi hoa Tam giác mạnh giữa các xã, các đơn vị với nhau, từ đó đã tạo ra sức lan tỏa, một cuộc “cách mạng” lớn về trồng hoa Tam giác mạch ở Đồng Văn đã thành công.

Để tăng thêm sự tích cực, khích lệ trồng hoa Tam giác mạch, dù là một huyện còn nghèo, thu ngân sách còn thấp, song huyện đã có cơ chế đặc thù là: Hàng năm đều bố trí hỗ trợ kinh phí từ 3-5 triệu đồng/ha để bà con nhân dân trồng, qua đó vừa thu hút khách du dịch, vừa phục vụ cho Lễ hội Hoa tam giác mạnh tỉnh Hà Giang, vừa tạo vùng nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ cây Tam giác mạnh như: mỳ, rượu, bánh Tam giác mạch... góp phần tăng thêm thu nhập xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đồng Văn cho hay: Tính đến nay huyện đã trồng được 2.582 ha, sản lượng 1.199,2 tấn, góp phần thực hiện thành công VII mùa Lễ hội hoa Tam giác mạch của tỉnh. Theo kế hoạch của UBND huyện năm 2022 huyện sẽ trồng 250,0ha ở 19 xã, thị trấn, trong đó chia làm 3 trà, trà 1 trồng 98,18ha, trà 2 trồng 135,96ha, đây là trà chính để phục vụ lễ hội hoa Tam giác mạnh, trà 3 trồng 15,8ha.

Đồng Văn đã biến những khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội phát triển và đã có những bứt phá đi lên. Tiêu biểu nhất cho sự bứt phá ấy là trong việc triển khai, nhân rộng trồng cây Hoa Tam giác mạch ở Đồng Văn. Kết quả đó từ năm 2015 đến nay lễ hội Hoa Tam Giác Mạnh tỉnh Hà Giang đã trở thành sự kiện thường niên hàng năm đón hàng triệu lượt du khách đến với vùng cao Đồng Văn, đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch vùng công viên địa chất Cao nguyên đá phát triển hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, Ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)


Ý kiến bạn đọc