Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là di sản văn hóa lâu đời của các dân tộc. Thế nhưng, xã hội hiện đại đã có không ít người trẻ dần thờ ơ, lãng quên nét văn hóa này. Những bộ trang phục truyền thống chỉ còn xuất hiện trong dịp lễ tết, ngày quan trọng của dân tộc. Mà nhiều trang phục đã được cách tân. Bài toán được đặt ra là phải bảo tồn trang phục truyền thống như thế nào?
Ông Bàn Văn Hào, nghệ nhân dân gian bên bàn thêu của mình |
Tấm vải thêu này được dùng cho những người thầy cúng của bản. Cả thôn Nà Thác, xã Phương Độ, Thành phố Hà Giang giờ chỉ còn ông Bàn Văn Hào, nghệ nhân dân gian, là có thể thêu được tất cả các chi tiết trên tấm áo. Bấy lâu nay, ông Hào vẫn mong tìm được một người học trò để truyền nghề. Thêu được 1 tấm áo đúng truyền thống với người quen tay cũng phải mất 3 tháng mới có thể hoàn thiện tất cả các chi tiết. Kinh phí thì chẳng đáng là bao. Thế nên nghề thêu dệt truyền thống của dân tộc Dao cứ bị mất dần đi. Và cũng chẳng còn mấy người mặn mà với trang phục truyền thống. Những bộ trang phục truyền thống của từng gia đình được cất kỹ trong góc.
Người dân nhuộm chàm cho trang phục dân tộc |
Các bộ trang phục gốc còn lại hầu hết là do các thế hệ đi trước để lại. Thế hệ nghệ nhân đang ngày một già đi, lớp người kế cận dường như không còn. Đây là một vấn đề đáng báo động. Vì vậy, bảo tồn trang phục truyền thống đang được các cấp các ngành quan tâm. Mỗi địa phương đang phải xây dựng các bước để bảo tồn nét văn hóa độc đáo này.
Thời đại 4.0 để giới trẻ yêu thích trang phục truyền thống của dân tộc mình cần những giải pháp hữu hiệu. Việc tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Các địa phương cũng nên tận dụng công nghệ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đây là cách để người dân quan tâm đầu tư hơn đến trang phục truyền thống của dân tộc.
Thu Hoài - Tiến Thành
Ý kiến bạn đọc