Hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông ngồi bên khung cửi dệt vải đã trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo nơi miền cao nguyên đá Hà Giang. Nghề dệt lanh của người Mông mang ý nghĩa hết sức to lớn đối với văn hóa truyền thống dân tộc, là một minh chứng sinh động thể hiện đức tình cần cù, chịu thương, chịu khó của đồng bào đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp.
Đồng bào dân tộc Mông duy trì, bảo tồn nghề dệt lanh truyền thống |
HTX Dệt lanh Lùng Tám trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước |
Hợp tác xã Dệt lanh Lùng Tám ra đời từ năm 2001, không chỉ là nơi bảo tồn, phát triển nét văn hoá độc đáo, giúp cải thiện thu nhập cho người dân bản địa mà còn trở thành địa điểm được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến khi Du lịch ở Hà Giang. Đến đây, ngoài việc tìm hiểu quy trình dệt lanh, du khách còn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm các bước tạo nên một tấm vải, đồng thời được chiêm ngưỡng các sản phẩm dệt lanh thủ công do những người phụ nữ Dân tộc Mông nơi đây tạo ra các sản phẩm như: Áo, váy, khăn trải bàn, túi xách, ví...
Du khách được chiêm ngưỡng các sản phẩm dệt lanh của phụ nữ Dân tộc Mông |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quản Bạ có 2 hợp tác xã đã và đang duy trì bảo tồn và phát triển nghề dệt lanh truyền thống đó là: Hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ và Hợp tác xã Dệt lanh Lùng Tám với 148 xã viên tham gia cùng sản xuất với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Xác định việc bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch có ý nghĩa rất lớn, du khách khi đến với làng nghề dệt lanh sẽ được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn sản xuất sản phẩm. Đây là cầu nối đưa nghề dệt lanh truyền thống vươn xa đến nhiều thị trường hơn, góp phần tăng thu nhập cho thành viên các hợp tác xã.
Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh và cấp uỷ, chính quyền huyện Quản Bạ, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã./.
Công Sáu - Ngọc Hải
Ý kiến bạn đọc